Căng thẳng (stress) và bệnh tim

...Không chỉ có các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, hút thuốc, tiểu đường... mà ngay cả các yếu tố hành vi cũng có thể gây cơn đau tim. Hành vi đối phó với những căng thẳng (stress) trong cuộc sống hàng ngày như lối suy nghĩ, cảm giác và hành động của con người có ảnh hưởng sâu sắc tới tình trạng tim mạch của họ: trong đó sự lo sợ và căng thẳng là trạng thái đáng phải bàn nhất. Trong y học hiện đại, càng ngày vai trò của stress (tạm dịch là căng thẳng thần kinh) càng được đề cập đến...

Trong một thời gian rất dài, các nhà khoa học thường phân vân tự hỏi tại sao rất nhiều người không có các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, hút thuốc và cholesterol máu cao nhưng vẫn bị các cơn đau tim. Vậy còn các nguyên nhân nào khác có thể gây đau tim? Theo một số nhà khoa học không chỉ có các nguyên nhân sinh lý mà còn phải kể đến yếu tố hành vi. Trong vòng 30 năm trở lại, thông qua hàng loạt nghiên cứu, một nhóm các nhà khoa học đã chứng minh một giả thuyết là hành vi đối phó với những căng thẳng (stress) trong cuộc sống hàng ngày như lối suy nghĩ, cảm giác và hành động của con người có ảnh hưởng sâu sắc tới tình trạng tim mạch của họ. Đã từ lâu y học phương đông cũng đã đề cập đến trạng thái cân bằng cuộc sống của con người gồm 7 trạng thái (thất tình): ái, ố, hỷ, nộ, sầu, bi, ai và lạc. Và để cuộc sống được điều hoà, cơ thể được khoẻ mạnh thì các trạng thái trên phải ở tư thế cân bằng. Bất kể sự thái quá nào cũng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trong đó sự lo sợ và căng thẳng là trạng thái đáng phải bàn nhất. Trong y học hiện đại, càng ngày vai trò của stress (tạm dịch là căng thẳng thần kinh) càng được đề cập đến.

Stress là gì ?

Có quan điểm cho rằng, stress là tình trạng căng thẳng đến mức đỉnh điểm. Theo những quan điểm khác thì stress là tình trạng dẫn đến sự căng cơ, co cứng các khớp ngón tay và quai hàm. Vào những năm 1930, tiến sĩ Hans Selye, một chuyên gia nghiên cứu về stress, mô tả stress là sự đáp ứng của cơ thể trước bất kỳ một yếu tố mang tính cấp bách, ví dụ nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh. Sau đó thì các nhà khoa học đưa ra định nghĩa: stress là một trạng thái mà các cá nhân phải tự nỗ lực cao, mặc dù cá nhân không mong muốn, nhằm đáp ứng với những tình huống và sự kiện trong cuộc sống của họ. Điều này có nghĩa là stress không chỉ là phản ứng của cơ thể trước những thách thức mang tính thể chất, tâm lý mà còn là những phản ứng thuộc về hành vi, tinh thần, tình cảm. (Xem Bảng dấu hiệu và triệu chứng của stess tinh thần). Những thách thức này có thể mang ý nghĩa rất quan trọng như cái chết của người thân hay mất việc làm, nhưng thường gặp là những sự kiện và tình huống chúng ta hay gặp hàng ngày như việc bị kẹt xe hay bất đồng quan điểm với đồng nghiệp. Quá trình phản ứng của các cá nhân với những tình huống như vậy có thể gây ra nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến sức khoẻ của họ.
Không phải tất cả stress đều bất lợi, mà một số nhất định còn mang tính tích cực. Ví dụ bạn sẽ cảm thấy khoan khoái sau khi hoàn thành xuất sắc một việc khó khăn, và những stress như vậy được tiến sĩ Selye gọi là stress có lợi để phân biệt với những stress có hại cho sức khoẻ. Vậy làm thế nào để một cá nhân có thể xác định stress họ đang trải qua là có lợi hay có hại? Tình cảm chính là yếu tố quan trọng nhất để phân biệt. Ví dụ stress có lợi là tâm trạng vui thích, hồ hởi và cảm giác công việc được tiến hành tốt. Còn stress có hại là tình trạng mệt mỏi, cáu kỉnh và cảm giác công việc có vấn đề không ổn.
  • Dấu hiệu và triệu chứng của căng thẳng tinh thần: Có nhiều dấu hiệu dưới đây khi xuất hiện riêng lẻ chưa chắc đã là triệu chứng của căng thẳng, nhất là các dấu hiệu về thể chất. Tuy nhiên nếu vài dấu hiệu cùng được quan sát thấy trên một cá thể thì chúng sẽ là những chỉ báo về việc mắc căng thẳng tinh thần.
    • Chỉ báo mang tính thể chất
      • Mặt căng thẳng
      • Cơ đau, căng, cứng
      • Vã mồ hôi, mặt bừng đỏ
      • Tay lạnh và ẩm ướt
      • Máy cơ ở mặt: máy mắt, chớp mắt liên tục, nhướn lông mày...
      • Dậm chân hay gõ nhịp ngón tay
      • Đau đầu
      • Có rối loạn về giấc ngủ
      • Chóng mặt
      • Các dấu hiệu dạ dày ruột: buồn nôn, đau bụng, đi đại tiện lỏng, táo bón, không tiêu, cồn cào...
      • Ho
      • Mệt mỏi
      • Một số bất thường về da: nổi mẩn, mụn...
      • Hen
      • Đau lưng
      • Khô miệng, khô họng
      • Thay đổi khẩu vị (giảm hoặc tăng)
      • Đánh trống ngực
    • Chỉ báo về tinh cảm
      • Giận giữ
      • Thất vọng
      • Cảm giác trống rỗng
      • Khóc lóc nhiều ngay cả khi không có nguyên nhân cụ thể
      • Trầm cảm
      • Mệt mỏi
      • Hoảng sợ, hoang mang
      • Thể hiện bản thân quá mức hoặc ngược lại, không có khả năng thể hiện
      • Thiếu kiên nhẫn
      • Dễ bị kích thích
      • Phản ứng quá khích
      • Khó tập trung
      • Hay quên, hay nhầm lẫn
      • Cảm giác luôn bị thời gian thúc ép
    • Chỉ báo về hành vi
      • Nói nhanh
      • Đi nhanh
      • Hút thuốc liên tục
      • Uống nhiều rượu, bia
      • Nghiến răng
      • Làm nhiều việc một lúc
      • Không nghỉ ngơi, lúc nào cũng vội vàng, không thể ngồi yên một chỗ
      • Cắn móng tay
      • Vò tóc
      • Ăn không phải vì đói
      • Có vấn đề về tình dục
      • Phản ứng thiếu suy nghĩ

Stress gây tác động thế nào ?

  • Phản ứng tinh thần, tình cảm và hành vi: Đứng trước một sự kiện hay tình huống thì tuỳ từng người mà có những cách nhìn nhận sự việc khác nhau. Ví dụ như khi phải đối mặt với hạn công việc sắp đền gần, có người thì cảm thấy sợ hãi không vượt qua được, nhưng với người khác thì họ lại coi đó là động lực để làm việc hết mình. Một yếu tố khác ảnh hưởng đến phản ứng của cá nhân là cảm giác làm chủ hoặc mất tự chủ. Một nghiên cứu về công nhân làm việc dây chuyền đã chỉ ra rằng những người công nhân nào có thể chủ động trong nhịp độ công việc hoặc lựa chọn vị trí làm việc trong dây chuyền sẽ làm việc có hiệu quả hơn và thấy thoải mái hơn những người hoàn toàn bị thụ động. Một yếu tố nữa góp phần gây căng thẳng là việc không dự đoán trước được những thay đổi. Ví dụ một tiếng động đột ngột có thể gây cho chúng ta giật mình, nhưng nếu biết trước sẽ có tiếng động đó thì ta không cảm thấy giật mình. Những người có “khả năng hạn chế căng thẳng” là những người có được mạng lưới hỗ trợ xã hội, tình trạng sức khoẻ tốt và tự tin. Họ sẽ đối phó tốt với những căng thẳng trong cuộc sống.
  • Phản ứng sinh lý: Những phản ứng mang tính tinh thần, tình cảm, hành vi của cá nhân đối với những sự kiện hay tình huống được mô tả ở trên là yếu tố chủ chốt trong việc xác định một loạt những thay đổi sinh lý diễn ra trong cơ thể để chuẩn bị cho cơ thể đáp ứng với những sự kiện hay tình huống đó. Sự phản ứng về sinh lý ở cơ thể người cũng giống như ở cơ thể động vật. Phản ứng này diễn ra rất tự nhiên khi cá nhân phải đối mặt với tình huống thực sự khó khăn, hoặc khi cá nhân tự đánh giá đó là tình huống khó khăn. Chỉ trong một tíc tắc, hệ thống thần kinh giao cảm hoạt động và tuyến yên tiết ra một số hoóc môn. Điều này dẫn tới sự giải phóng một loạt adrenalin và cortison, có tác dụng hoạt hóa sự hoạt động của bộ não và cơ thể như làm tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng, máu chảy nhiều hơn đến các cơ lớn và não, mỡ từ các mô dự trữ được chuyển hoá thành các axít béo để làm năng lượng cho sự hoạt động của cơ. Khi đối mặt với những tình huống thực sự nguy hiểm như trong đám cháy, các đáp ứng và thay đổi trên diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn nhiều. Trong khi khó mà nhẫm lẫn những dấu hiệu như tim đập dồn dập, tay vã mồ hôi khi đối mặt tình huống nguy hiểm, phản ứng sinh lý đối với những căng thẳng về thần kinh hoặc những căng thẳng lặp lại thường xuyên thường khó nhận biết hơn nhưng còn có thể nguy hiểm hơn đến sức khoẻ hơn.
  • Căng thẳng thần kinh và sự phát triển của bệnh tim: Những căng thẳng thần kinh thường gặp trong cuộc sống hiện đại và nó khác với những căng thẳng mang tính thể chất. Những căng thẳng này thường không giảm đi, mà lại thường xuyên tăng lên và kéo dài liên tục. Phản ứng với những căng thẳng này đòi hỏi lượng hoóc môn và năng lượng từ chất béo ít hơn nhưng lại liên tục. Tuy nhiên cơ thể phản ứng trước các căng thẳng về tinh thần hay thể chất là như nhau. Do đó lượng hoóc môn và chất béo được huy động trong những căng thẳng thần kinh không được tiêu thụ hết và dẫn tới tình trạng tăng huyết áp, nhịp tim quá mức cần thiết. Điều này sẽ dẫn tới sự rối loạn về huyết động, làm áp lực tại thành động mạch tăng lên, đặc biệt có thể xảy ra ở mạch vành - mạch máu nuôi cho tim. Khi rối loạn huyết động tăng và các hoóc môn do căng thẳng gây ra lưu hành liên tục trong máu sẽ làm tổn thương nội mạc thành mạch. Được huy động bởi các hoóc môn này, các tiểu cầu trong máu vận chuyển đến và bám dính tại thành mạch với mục đích làm giảm quá trình tổn thương. Nhưng không may là chính quá trình này lại làm cho thành mạch dày lên và dẫn đến nguy cơ tắc mạch. Bên cạnh đó cholesterol tỷ trọng thấp (LDL) cũng đ¬ược sản xuất ra từ các tế bào mỡ trong quá trình phản ứng với căng thẳng. Theo thời gian, những thay đổi này sẽ dẫn đến quá trình xơ vữa ở động mạch vành.
  • Sự căng thẳng, thiếu máu cục bộ cơ tim và đau tim: Khi động mạch vành hẹp đến mức độ làm giảm lưu lượng máu một cách nghiêm trọng sẽ dẫn đến việc máu cung cấp cho cơ tim không đủ để nó duy trì hoạt động co bóp trong khi tim cần co bóp nhiều hơn để đáp ứng với căng thẳng. Kết quả là cơ tim bị thiếu máu cục bộ. Hơn nữa, chính những hoóc môn tiết ra do căng thẳng cũng có thể gây co nhỏ thành mạch và càng làm cho máu lưu thông qua mạch vành giảm. Ví dụ sự tắc nghẽn trong mạch vành đạt đến 90% thì ảnh hưởng của hoóc môn gây co nhỏ mạch sẽ đạt 10% dẫn tới mạch bị tắc nghẽn gần như hoàn toàn và cơn đau tim xảy ra. Sự thiếu máu cục bộ cơ tim đi kèm với những hoạt động thể lực gắng sức sẽ gây ra cơn đau thắt ngực. Đôi khi ở một số căng thẳng về tinh thần hoặc tình cảm, quá trình thiếu máu cục bộ cơ tim có thể diễn ra một cách lặng lẽ. Điều này càng nguy hiểm hơn vì cá nhân không thấy dấu hiện đau ngực hay khó chịu nên họ sẽ không nghỉ ngơi hoặc không uống thuốc. Thực vậy, một số nhà khoa học cho rằng sự thiếu máu cục bộ cơ tim lặng lẽ là một yếu tố có thể gây ra cơn đau ngực dẫn đến tử vong.
  • Các yếu tố tâm lý xã hội và nguy cơ bệnh tim: Trong xã hội phương Tây ngày nay, cuộc sống của con người ngày càng phải đối mặt với những căng thẳng và thách thức, nhưng rất khó định lượng những căng thẳng này diễn ra ở mức độ thế nào và ảnh hưởng cụ thể đến sức khoẻ từng cá nhân ra sao. Có rất nhiều người hàng ngày phải đối mặt với nhiều căng thẳng nhưng những phản ứng sinh lý chính lại không diễn ra. Nhằm xác định ảnh hưởng của căng thẳng, các nhà khoa học đã đưa ra một số biện pháp đo lường. Một thang hệ thống tự đánh giá căng thẳng được tiến sĩ Holmes và Rahe, trường tổng hợp Washington, xác định vào giữa những năm 1960 với tên gọi Thang đo lường đáp ứng xã hội.
    • Sau khi tiến hành nghiên cứu hàng ngàn cá thể, hai nhà khoa học đã liệt kê 43 sự kiện trong cuộc sống được coi là yếu tố gây căng thẳng và được xếp thứ tự theo mức độ gây căng thẳng trầm trọng nhất. Chẳng có gì ngạc nhiên khi việc qua đời của vợ hoặc chồng được cho 100 điểm và đứng hàng đầu trong danh sách. Nhưng những sự kiện mang tính tích cực như thành công xuất sắc của cá nhân, hay những sự kiện diễn ra đều đặn như đến trường học hàng năm cũng được coi là yếu tố gây căng thẳng với số điểm tương ứng là 28 và 26.Một câu hỏi quan trọng đặt ra: vậy cuộc sống của các cá thể thay đổi đến mức độ nào trước những sự kiện này? Theo dõi liện tục các bệnh nhân trong một số năm, hai tiến sĩ Holmes và Rahe đã thống kê rằng khi số điểm đo lường sự căng thẳng trên 150 trong một năm thì cá nhân đó sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng như đau tim trong hai năm tiếp theo. Hậu quả này xảy ra có thể do sự phản ứng liên tục của cơ thể trước những sự kiện gây căng thẳng trong cuộc sống. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng có những sự kiện, tình huống diễn ra một cách bất ngờ trong cuộc sống thì cũng có những sự kiện, tình huống được tiên lượng trước. Khi cá nhân có kế hoạch để đối phó với những thay đổi này thì cũng đồng nghĩa với việc họ đã giảm được tác động của sự căng thẳng và làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
    • Có rất nhiều sự kiện gây căng thẳng ở mức độ trầm trọng được liệt kê trong danh sách “Thang đo lường đáp ứng xã hội” có liên quan mật thiết đến bệnh tim. Ví dụ như sự qua đời của người thân hay những cú sốc tình cảm đi kèm những thảm hoạ có thể gây nên cơn đau tim cấp tính và có thể gây chết đột ngột. Trong trận động đất tàn phá Athens năm 1981, có rất nhiều người tử vong do hoảng sợ tột độ chứ không phải do bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Những tình cảm tiêu cực kéo dài cũng gây tác động lên bệnh tim. Khi một cá nhân phải chịu lo âu, phiền muộn liên tục thì họ sẽ có nguy cơ cao về bệnh tim và tử vong hơn những người có khả năng kiểm soát, khắc phục được tình cảm đó.
    • Những nghiên cứu về nghề nghiệp trên phương diện yêu cầu chuyên môn, tính tự chủ, lòng tự trọng trong công việc của tiến sĩ Robert Karasek, trường tổng hợp Columbia, đưa ra kết quả là nguy cơ mắc bệnh tim cao ở những người chịu sức ép công việc lớn, nhưng tính tự chủ và tự trọng trong công việc yếu. Ví dụ những người làm việc dây chuyền phải làm những thao tác lặp đi lặp lại không ngừng, không có tính tự chủ trong công việc sẽ có nguy cơ cao nhất. Những phụ nữ vừa làm công việc xã hội lẫn việc nhà, chăm sóc con cái sẽ luôn chịu tình trạng căng thẳng. Họ thường có những dấu hiệu căng thẳng về thể chất và tinh thần như trầm cảm, cơn ác mộng, rối loạn đường ruột và cảm giác bị lấn át hơn những người chỉ làm công việc xã hội hoặc chăm sóc gia đình đơn thuần. Với những người có địa vị kinh tế xã hội kém, ít nhận được sự giúp đỡ cũng chịu nguy cơ bệnh tim cao. Bản thân bệnh tật cũng là yếu tố gây căng thẳng, đặc biệt là bệnh tim. Trong một nghiên cứu các nhà khoa học chỉ ra rằng những người có phản ứng tích cực, thích nghi tốt với quá trình chữa trị bệnh sẽ có tiên lượng tốt, còn những người không thể đối mặt với bệnh tật sẽ có tỷ lệ tử vong cao mặc dù được chăm sóc trong điều kiện y tế tốt.
    • Một nghiên cứu về yếu tố tâm lý và hành vi trong cuộc sống xã hội ngày nay được tiến hành trên khỉ. Kết quả cho thấy là những con khỉ ăn chế độ giàu cholesterol kết hợp với việc môi trường sống bị đe doạ sẽ mắc bệnh tim nặng. Tỷ lệ mắc bệnh sẽ không cao khi yếu tố chế độ ăn và sự đe doạ về môi trường sống bị tách riêng. Vậy các yếu tố tâm lý đóng vai trò thế nào trong bệnh tim mạch? Câu trả lời ở đây là chưa rõ ràng, nhưng chúng ta có thể dự đoán rằng chúng có thể gây nên căng thẳng kéo dài, liên tục và có hại cho con người.
  • Phản ứng có khuynh hướng gây bệnh mạch vành và các kiểu hành vi: Theo nhiều chuyên gia, một nhóm hành vi được xếp loại có thể gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. Hai nhà tim mạch học Califonia là Meyer Friedman và Ray Rosenman đã nghiên cứu thấy những người hay chịu sức ép và chạy đua trong công việc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những người đơn thuần có thói quen hút thuốc, tăng huyết áp hay cholesterol máu cao. Những người có nhóm hành vi như vậy được xếp là kiểu A, còn những người không có được xếp là kiểu B. Hai nhà tim mạch cũng thống kê rằng 50% dân số có nhóm hành vi kiểu A.
    • Theo Meyer Friedman và Ray Rosenman, những người có hành vi kiểu A là những người thường xuyên phải vật lộn để vượt khó khăn, trở ngại, có thể là những trở ngại thực sự nhưng cũng có thể phát sinh do trí tưởng tượng của họ. Trong đó những trở ngại về thời gian thường gặp nhất, thậm chí các bác sĩ đã đặt tên là “bệnh vội vàng”. Những người đàn ông có hành vi kiểu A thường là những người thành công trong công việc. Họ thường nóng tính, hay cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn, hay nghi ngờ, có tính cạnh tranh, làm nhiều công việc một lúc và có thái độ không thân thiện. Những người phụ nữ có kiểu hành vi này cũng chia sẻ hầu hết các đặc tính trên, chỉ có điều họ thường đối xử nhũn nhặn hơn đàn ông. Còn những người có hành vi thuộc kiểu B, cả nam và nữ, đều có tính tình dễ chịu, hoà đồng và cũng là những người thành công, thậm chí thành công hơn những người có hành vi kiểu A.
    • Friedman và Rosenman cho rằng những người có hành vi kiểu A cũng có những nỗ lực nhằm đầy lùi cảm giác bất an hay nghi ngờ bản thân. Nhưng thật không may, những hành vi nỗ lực này lại tạo nên vòng xoắn làm tổn hại đến bản thân hơn. Người có hành vi kiểu A thường “chọn” những tình huống có tính yêu cầu cao, hoặc tự đánh giá tình huống của họ có tính yêu cầu cao mặc dù trên thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Họ có những phản ứng mang tính tiêu cực như tự thúc ép bản thân trước những tình huống này. Sự phản ứng tiêu cực này lại gây ra cho họ cảm giác bất an, và cứ như vậy vòng xoắn được tạo thành.
    • Tại sao những người có hành vi kiểu A dễ bị mắc bệnh tim mạch hơn những người có kiểu B? Có thể do phản ứng quá nhạy của hệ thần kinh giao cảm ở những người này, nhiều hoóc môn được tiết ra hơn, tim đập nhanh hơn và huyết áp tăng cao hơn. Vì những người có hành vi kiểu A tự đặt mình vào những tình huống có tính đòi hỏi, yêu cầu cao, nên họ cũng trải qua những phản ứng sinh lý kéo dài của cơ thể trước những căng thẳng này, và do đó tim mạch của họ cũng bị ảnh hưởng hơn. Hành vi kiểu A phát triển khi nào và như thế nào? do di truyền hay do yếu tố ngoại lai? Một số nghiên cứu trên cặp song sinh kết luận rằng, một số hành vi kiểu A có tính di truyền, trong khi các nhà khoa học khác cho rằng con cái chịu ảnh hưởng hành vi của bố mẹ qua quá trình giáo dục và do đó khi lớn lên con cái cũng thừa hưởng những hành vi này do bắt chước hơn là được di truyền.
    • Tiến sĩ Karen Matthews, trường tổng hợp Pittsburg, đưa ra sự so sánh thú vị về hành vi kiểu A ở những người trưởng thành và ở trẻ nhỏ. Cũng giống như người lớn, trẻ nhỏ có hành vi kiểu A thường làm việc với cường độ cao, không kiên nhẫn và tính khí nóng nẩy. Bà cũng quan sát thấy những hành vi này được tạo thành do bố mẹ hoặc người lớn áp đặt và thúc giục trẻ nỗ lực liên tục để đạt kết quả cao. Bên cạnh đó họ cũng đặt ra cho trẻ những tiêu chuẩn quá cao, ví dụ nói với trẻ: “Con đang thực hiện tốt, nhưng lần sau cần phải nỗ lực hơn nữa”. Điều này sẽ làm cho trẻ nản lòng và có cảm giác lạc lõng và mất tin tưởng với xã hội. Hơn thế nữa, những tác động này còn có tính khuyếch trương: trẻ phản ứng với việc kết hợp sự đánh giá tích cực ( “con đang thực hiện tốt”) và với sự hối thúc (“nhưng lần sau phải nỗ lực hơn nữa”) bằng việc tạo ra tính cạnh tranh cao và quyết liệt hơn. Điều này lại càng làm những đứa trẻ như vậy được đánh giá cao và càng bị hối thúc nỗ lực hơn nữa.
  • Xác định kiểu hành vi: Hành vi kiểu A không phải là bản tính con người mà là một tập hợp các hành vi và nó được xác định bằng sự có mặt những hành vi này mà không có mặt những hành vi khác. Việc xác định được thông qua phỏng vấn cá nhân theo mẫu và cá nhân tự điền vào phiếu hỏi. Một “tiêu chuẩn vàng” trong việc xác định kiểu hành vi A là phương pháp phỏng vấn theo mẫu do Friedman và Rosenman thiết kế. Người phỏng vấn đưa ra một loạt câu hỏi nhằm chỉ ra những phản ứng như thiếu kiên nhẫn, cáu kỉnh, cạnh tranh và thiếu thân thiện của cá nhân trước tình huống đặt ra, ví dụ hỏi phản ứng của cá nhân trước việc phải xếp hàng lúc kẹt xe. Bên cạnh đó các hành vi của cá nhân cũng được thu băng để quan sát những chỉ báo của hành vi kiểu A như việc gật đầu, nháy mắt liên tục, bộ mặt lạnh lùng và điệu bộ động tác khác. Phương pháp tự đánh giá thông qua việc điền phiếu, ví dụ “Thang đánh giá hành vi kiểu A”, có nhược điểm là dựa trên sự cảm nhận chủ quan của từng cá nhân, nhưng là phương pháp dễ làm và rẻ tiền.
Thang đánh giá hành vi kiểu A
Tuỳ thuộc vào mức độ phản ứng của bạn trước tình huống gây căn thẳng mà đánh dấu gần hay xa với hai thái cực được nêu ra trong mỗi mục
1. Không bao giờ chậm trễ --- Cảm thấy bình thường trước những cuộc hẹn
2. Cạnh tranh quyết liệt --- Không cạnh tranh
3. Đoán trước người khác sắp nói gì (phản ứng bằng cách gật đầu, xen ngang, hoặc kết thúc câu nói của người khác) --- Là người luôn lắng nghe người khác
4. Luôn vội vàng --- Không bao giờ vội vàng, ngay cả khi bị thúc giục
5. Thiếu kiên nhẫn lúc phải chờ đợi --- Có thể chờ đợi một cách kiên nhẫn
6. Nỗ lực toàn tâm toàn ý --- Bình thường
7. Có làm nhiều việc cùng một lúc, nghĩ đến những gì cần làm tiếp theo --- Làm từng việc riêng rẽ
8. Hăng say khi phát biểu (thậm chí đập bàn) --- Là người nói chậm rãi có cân nhắc
9. Muốn những người khác công nhận mình làm việc giỏi --- Chỉ cần mình thoả mãn là đủ, không cần quan tâm đến việc người khác nghĩ gì
10. Nhanh (ăn uống, đi bộ, v,v...) --- Chậm rãi khi làm việc gì
11. Tỏ ra khó khăn --- Tỏ ra dễ tính
12. Thể hiện tình cảm --- Bình thản, không quan tâm đến việc thể hiện tình cảm
13. Ít hào hứng ngoài công việc --- Có nhiều quan tâm thích thú
14. Rất tham vọng --- Thoả mãn với công việc

  • Hành vi kiểu A và đánh giá mối nguy cơ:
    • Một nghiên cứu qui mô về việc đánh giá hành vi kiểu A như là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim đã được tiến hành từ đầu những năm 1960. Nhóm nghiên cứu hợp tác phương Tây (WCGS) đã theo dõi 3500 người đàn ông khoẻ mạnh trong vòng tám năm và đã chứng mình rằng: (1) hành vi kiểu A là yếu tố nguy cơ độc lập có thể gây bệnh tim; (2) những người đàn ông có hành vi kiểu A có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 2 lần những người có hành vi kiểu B; và (3) hành vi kiểu A là một chỉ số dự báo tốt về cơn đau tim lần thứ 2 ở những người mà mạch vành đã có vấn đề. Tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây đã không tìm ra được mối liên quan giữa hành vi kiểu A và bệnh tim hay những ca tử vong nhanh do bệnh tim. Sự khác biệt có thể lý giải ở phương pháp tiến hành các nghiên cứu này là khác nhau. Nhiều nghiên cứu nữa cần được tiến hành để làm sáng tỏ vấn đề này. Tuy nhiên không thể phủ nhận những bằng chứng về mối liên quan của một số hành vi kiểu A và bệnh mạch vành.
    • Trong khi đối tượng của các nghiên cứu trên đều là nam giới, một nghiên cứu của Framingham đã đưa ra số liệu về phụ nữ như sau: những phụ nữ có hành vi kiểu A tuổi từ 45 đến 64 thường dễ mắc bệnh tim và cơn đau thắt ngực. Đối với những nữ công chức, đặc biệt làm các công việc văn phòng, thì những phụ nữ có trên ba con trở lên có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 2 lần những phụ nữ không có con. Những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tim lần thứ 2 nhiều nhất trong nghiên cứu của Thoresen là những người luôn lo âu, ân cần giúp đỡ mọi người và luôn tỏ ra độ lượng. Điều này khác hẳn với nam giới, những người có nguy cơ cao thường nóng nẩy và thiếu độ lượng.
    • Vậy đối với trẻ nhỏ, liệu hành vi kiểu A có kéo dài cho đến tuổi trưởng thành và đem đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay không? Một nghiên cứu của trường tổng hợp Stockholm đã chỉ ra rằng hành vi kiểu A ở một đứa trẻ 13 tuổi sẽ tồn tại suốt cho đến 27 tuổi. Các nghiên cứu khác thì kết luận rằng những sinh viên đại học có hành vi kiểu A sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau này và chúng ta cũng biết rằng các bệnh mạch vành là bệnh tiến triển từ từ và bắt đầu ngay từ thời kỳ thơ ấu. Tuy nhiên, các nghiên cứu cần được tiến hành thêm để xác định rõ vai trò đích thực của hành vi kiểu A trong suốt cuộc đời con người.

Giảm nhẹ các nguy cơ căng thẳng

  • Giống như thói quen hút thuốc lá, cholesterol máu cao và huyết áp cao, các nguy cơ tác hại của căng thẳng cũng có thể được giảm nhẹ. Một số các hoạt động đáp ứng thích hợp sẽ mang lại lợi ích, ví dụ tập thể dục thường xuyên sẽ làm giảm lượng hoóc môn luư hành trong máu do căng thẳng sinh ra. Thậm chí thói quen đi bộ nhẹ nhàng sau giờ làm việc cũng có tác dụng làm tiêu tan những hoóc môn tạo ra trong những giờ làm việc căng thẳng.
  • Với một số người thì liệu pháp tâm lý và tư vấn cũng mang lại hiệu quả. Theo các chuyên gia, sự cải thiện do những liệu pháp này mang lại có tính tích cực rõ rệt và kéo dài. Nhóm liệu pháp này đặc biệt có hiệu quả đối với những người phải trải qua những tổn thương mất mát. Xây dựng và tái thiết mối quan hệ hỗ trợ trong cộng đồng sẽ có tác dụng làm giảm nhẹ các căng thẳng trong cuộc sống và giúp họ tránh khỏi những tác hại xấu do căng thẳng mang lại. Có những bằng chứng cho thấy rằng những người sống cô đơn, không có mối quan hệ với người khác sẽ đặc biệt bị tổn thương do những hậu quả của căng thẳng. Ngoài ra, việc chăm sóc vật nuôi trong nhà cũng là một biện pháp tránh căng thẳng tốt.

Các kỹ thuật thư giãn

  • Những kỹ thuật thư giãn đơn giản rất dễ học (xem bảng “Phản ứng thư giãn”). Nếu được thực hành thường xuyên, chúng có tác dụng làm giảm mức độ và thời gian những phản ứng của hệ thần kinh giao cảm với căng thẳng. Yoga, ngồi thiền và khí công dưỡng sinh cũng có những tác dụng tương tự. Ngoài ra có một số chương trình dạy các kỹ thuật thư giãn. Trong chương trình “Thư giãn cơ chuyên sâu”, các chuyên gia sẽ hướng dẫn những bài tập căng cơ và dãn cơ trong vòng 5 đến 10 phút cho mỗi nhóm cơ. Qua đó, học viên sẽ được hướng dẫn nhận biết cảm giác căng hay dãn cơ là thế nào và học thở sâu để tạo thêm thư giãn. Với việc luyện tập thường xuyên, học viên sẽ biết được những cảm giác liên quan đến việc hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và sẽ đạt được tình trạng thư giãn. Điều này giúp cho cá nhân làm giảm các phản ứng sinh lý nhưng không ảnh hưởng đến chức năng hoạt động bình thường của nó.
  • Phản ứng thư giãn: Theo tiến sĩ Herbert Benson, trường đại học tổng hợp Harvard, thư giãn là cơ chế làm giảm tác động của các phản ứng sinh lý do căng thẳng gây ra. Dưới đây là một kỹ thuật thư giãn:
    1. Ngồi yên lặng trong một tư thế thoải mái. Điều quan trọng là không để nhóm cơ nào trên cơ thể bị căng.
    2. Nhắm mắt.
    3. Bắt đầu từ bàn chân và lên đến mặt. Thả lỏng toàn bộ cơ và giữ cho chúng ở tình trạng thả lỏng.
    4. Thở qua đường mũi một cách tự nhiên và đều đặn, bắt đầu cảm nhận nhịp thở của chính mình. Lúc thở ra hãy đếm thầm trong đầu 1 từ ngắn ví dụ “một”. Sự nhắc lại từ này trong lúc thở có tác dụng giúp việc tập trung vào nhịp thở.
    5. Tiến hành liên tục trong 10-20 phút (bạn có thể mở mắt để nhìn đồng hồ nhưng đừng để chuông). Khi kết thúc, hãy ngồi yên trong tư thế đó vài phút, lúc đầu vẫn nhắm mắt, sau đó mở mắt ra.
    6. Đừng bận tâm việc bạn thực hiện kỹ thuật này có tốt đến mức nào. Nếu bạn cảm thấy không tập trung, hãy quên điều đó đi và hướng sự chú ý của bạn vào việc đếm một từ ngắn đã nêu.
  • Kỹ thuật thay đổi hành vi: Trong số các phương pháp điều trị căng thẳng thì kỹ thuật chuyển đổi hành vi là biện pháp tốt nhất. Trong phương pháp này, học viên sẽ được học cách làm thư giãn cơ tối đa và thực tập chúng trong các tình huống căng thẳng cho trước. Phương pháp này tập trung đến việc giúp học viên nhận biết được những biến động tâm trạng trong chính cơ thể mình. Học viên sẽ học cách kiểm soát các phản ứng tinh thần, tình cảm của mình và biết cách hướng các phản ứng này theo cách không gây tác hại. Những can thiệp này không nhằm chuyển đổi giá trị của cá nhân đối với sự thành công mà chỉ chuyển đổi phương pháp để đạt được mục đích đó. Với những cá thể khoẻ mạnh, sự thay đổi về các dấu hiệu sinh lý, đặc biệt là lượng cholesterol và huyết áp, được ghi nhận. Một số nghiên cứu ở Canada và Mỹ chỉ ra rằng những bệnh nhân có hành vi kiểu A sau khi mắc bệnh cơ tim nếu nhận được tư vấn về bệnh và học liệu pháp thay đổi hành vi thì nguy cơ mắc bệnh tái phát sẽ giảm một nửa so với những bệnh nhân chỉ nhận được tư vấn về bệnh.
  • Đa số các chuyên gia đều cho rằng liệu pháp chuyển đổi hành vi có tác dụng quan trọng đối với những cá nhân có nguy cơ cao. Nhìn chung điều này tuỳ thuộc vào từng cá nhân, vào tiểu sử bệnh tật, tình trạng sức khoẻ và đặc biệt vào việc sẵn sàng tham gia luyện tập liệu pháp. Dưới đây là một số kỹ thuật hay dùng nhất:
    • Sự phản hồi sinh học: các học viên được cung cấp liên tục những thông tin về việc cơ thể họ phản ứng với căng thẳng ra sao và học kiểm soát các phản ứng sinh lý do căng thẳng gây ra. Khi tiếp xúc với tác nhân gây căng thẳng, sự phản ứng của cơ thể sẽ được đo lường và “phản hồi” lại. Sự phản hồi các phản ứng này có thể bằng cách lắng nghe tiếng động hoặc nhìn biểu đồ trên màn hình về sự thay đổi huyết áp, nhịp tim. Học viên sẽ học cách kiểm soát những phản ứng của cơ thể thông qua những dụng cụ đo lường trực tiếp những phản ứng này. Phương pháp này có hiệu quả giống như phương pháp thư giãn nhưng có nhược điểm là cần đến máy móc và, do đó, tốn kém hơn.
    • Kiểm soát sự mệt mỏi: Kỹ thuật này được tiến hành qua 3 giai đoạn và rất dễ dàng áp dụng với những tình huống gây căng thẳng, bao gồm sự luyện tập qua việc tưởng tượng, việc tăng nhận thức về cảm giác cơ thể và thư giãn sâu. Một phần đặc biệt của liệu pháp nhấn mạnh đến sự thay đổi trong đáp ứng khi các căng thẳng có tính cấp bách về thời gian được thiết kế riêng cho chương trình phục hồi các bệnh tim. Liệu pháp này cũng có tính khả quan trong việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp.
    • Kiểm soát cơn giận giữ/ Liệu pháp “miễn dịch” với căng thẳng: Liệu pháp này thường diễn ra qua 3 giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất, học viên học cách quan sát, tập trung vào sự cảm nhận của chính bản thân trong về tình huống và những phản ứng của cơ thể trong những tình huống này sẽ được ghi chép lại. Học viên sẽ được dạy cách phân biệt tính tích cực và tiêu cực của phản ứng giận giữ. Trong giai đoạn 2, các học viên học những kỹ thuật để đối phó với sự giận giữ như thư giãn, ngồi thiền. Chúng có tác dụng biến suy nghĩ giận giữ này thành những suy nghĩ có tính tích cực hơn. Học viên cũng học cách thể hiện những tình cảm mang tính tiêu cực theo một cách nhẹ nhàng, tôn trọng người khác. Giai đoạn thứ 3 là học viên sẽ sử dụng những kỹ thuật học được để phản ứng với những căng thẳng trong tình huống đưa ra và dưới sự giám sát của các nhà liệu pháp. Giai đoạn này có tác dụng giúp học viên áp dụng kỹ thuật vào thực tế, và thường áp dụng trong điều trị phục hồi bệnh tim, đặc biệt có hiệu quả trong điều trị cao huyết áp.
    • Tất cả các liệu pháp kể trên đều an toàn khi thực hiện đúng. Điều quan trọng là cá nhân phải tìm cho mình chương trình thích hợp, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia và ở các địa điểm y tế thích hợp.

Khi nào cần đến điều trị và do ai thực hiện ?

Mọi người có thể dựa vào cảm nhận của bản thân và những ví dụ về các dấu hiệu, triệu chứng của stress được kể ở trên để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, những đối tượng sau đây cần chú ý:
  • Làm những công việc có yêu cầu cao, phát hiện trên 5 dấu hiệu và triệu chứng của stress xảy ra thường xuyên.
  • Đang trải qua những sự kiện quan trọng trong cuộc sống như việc mất người thân, ly dị, chuyển nhà, v,v..
  • Tự nhận thấy bản thân có điểm tương đồng với những người có hành vi kiểu A.
  • Bị bệnh tim (cơn đau tim, cơn đau thắt ngực), đặc biệt trên những người có hành vi kiểu A và những người cảm thấy mệt mỏi, lo lắng khi họ đối mặt với bệnh tim.
  • Tạp chí Tim mạch học Việt nam

  • Bookmark and Share

    0 comments:

    Ý kiến từ bạn:

    Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


      Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

    Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.