Một số nguyên nhân gây khó thở

Khó thở có thể là triệu chứng của suy tim, thiếu máu, tổn thương phổi diện rộng, hoặc do vận động quá sức, lo lắng thái quá và ở trong môi trường quá nóng, quá lạnh.

Khó thở thường gặp trong các trường hợp sau:

- Bị viêm phế quản, viêm phổi hoặc nhiễm trùng kéo dài như lao phổi hoặc viêm phế quản mạn. Khó thở trong trường hợp này thường đi kèm với sốt hoặc sự thay đổi màu sắc của đờm.

- Hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế nang. Khó thở thường thấy kèm theo thở khò khè.

- Ung thư phổi hoặc có khối u tại phổi: khó thở thường kèm theo ăn kém, gầy sút nhiều. Bệnh nhân thường từng nghiện thuốc lá nặng.

- Tổn thương phổi diện lớn: ví dụ như áp-xe phổi, hoặc bệnh bụi phổi.

- Tắc mạch phổi: khó thở thường xảy ra đột ngột và thường phối hợp với khó thở nhanh nông và đi kèm với đau ngực.

- Bệnh cơ hoành và thành ngực: liệt cơ hoành sau phẫu thuật ngực hoặc béo phì đều có thể gây khó thở.

- Suy tim: khó thở trong suy tim là do giảm khả năng giãn nở của cơ tim làm tăng áp lực máu quanh phổi.

- Thiếu máu: lượng hồng cầu giảm làm oxy không đủ cung cấp cho nhu cầu của cơ thể.

- Tình trạng tăng chuyển hóa như bệnh Basedow, sốc, nhiễm trùng máu.

- Bệnh thận và gan mạn tính: do tăng lượng dịch đến phổi làm giảm trao đổi oxy tại phổi gây khó thở.

- Viêm đa khớp.

- Có vấn đề về hệ thống thần kinh: tăng áp lực sọ não do chấn thương sọ não, khối u não, tai biến mạch não, chảy máu não. Khó thở thường xảy ra khi não bị chèn ép ở vùng điều hòa hô hấp. Triệu chứng hô hấp thường xảy ra sau các triệu chứng thần kinh.

- Rối loạn thần kinh cơ gây ảnh hưởng đến giãn nở lồng ngực và có thể ảnh hưởng đến di động của cơ hoành làm cho bệnh nhân khó thở.

Cách xác định khó thở là triệu chứng của một bệnh:

- Khó thở kéo dài và dai dẳng. Nếu khó thở chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và đột ngột với mức độ nặng, cần làm thêm xét nghiệm.

- Khó thở khi nghỉ.

- Khó thở khi gắng sức.

- Khó thở khi nằm.

- Khó thở đi kèm với các triệu chứng như đau ngực rồi lan lên tay, cổ, hàm; sưng tấy cẳng chân, bàn chân; tăng cân hoặc mất cân một cách khó hiểu; kém ăn; mệt mỏi từng lúc; toát mồ hôi; ho ra đờm có màu vàng, xanh, gỉ sắt hoặc thấy có máu trong đờm; sốt; thở khò khè; ho kéo dài dai dẳng. Đầu móng tay hoặc môi có màu xanh tím, mệt mỏi, choáng váng, móng tay khum...

Việc điều trị khó thở tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu khó thở do bệnh tim, cần điều trị bằng thuốc chữa suy tim như lợi tiểu, ức chế men chuyển, digoxin và chẹn bêta. Nếu khó thở do hen tim và bệnh phổi mạn tính, phải điều trị bằng các thuốc giảm co thắt phế quản và thuốc chống viêm hoặc thở oxy. Trong trường hợp nhiễm trùng cần dùng kháng sinh.

Để phòng tránh chứng khó thở cần:

- Bỏ thuốc lá giúp giảm các triệu chứng khó thở và giảm nguy cơ ung thư phổi.

- Tránh các chất có thể gây dị ứng, bụi bẩn, độc chất.

- Tránh tăng quá cân và tập thể dục đều đặn.

- Ăn giảm muối nếu bị suy tim, đồng thời dùng thuốc và theo dõi cân nặng thường xuyên.

Thạc sĩ Phạm Như Hùng, Viện Tim mạch Việt Nam

Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.