Công nghệ ứng dụng tế bào gốc vào điều trị đang có những bước phát triển mạnh mẽ, mang lại những bước đột phá quan trọng cho nhiều chuyên ngành y học trong đó có các bệnh lý tim mạch. Bộ Môn Tim mạch - Đại học Y Hà Nội và Viện tim mạch Việt Nam kết hợp với Khoa Huyết học Bệnh viện 108 là những đơn vị đầu tiên ở nước ta đã có những thành công đầu tiên khi ứng dụng tế bào gốc điều trị cho bệnh nhân bị tổn thương vùng cơ tim gây suy tim sau khi bị nhồi máu, mở ra cơ hội cho người bệnh và khẳng định đây là một hướng đi cần được phát triển.
“Con tim đã vui trở lại”
Những cơn đau thắt ngực dữ dội đã khiến ông Nguyễn Ngọc S., 68 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội phải đến Viện tim mạch Việt Nam trong tình trạng cấp cứu. Các bác sĩ cho biết đây là một trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp và chỉ định bệnh nhân phải đặt stent nong động mạch vành (ĐMV). Tuy được cứu sống sau cơn bệnh hiểm nghèo bằng can thiệp và dùng thuốc song vùng cơ tim bị nhồi máu vẫn hoạt động kém, người bệnh có những dấu hiệu suy tim, phân số tống máu dưới 40%. Nếu không có biện pháp điều trị hữu hiệu thì sức khoẻ của người bệnh khó được cải thiện.
Trong thời gian đó, các bác sĩ Bộ môn Tim mạch - Đại học Y Hà Nội và Viện tim mạch Việt Nam kết hợp với Khoa Huyết học- Bệnh viện 108 bắt đầu ứng dụng kỹ thuật tân tạo cơ tim từ tế bào gốc, ông S. là một trong sáu bệnh nhân đầu tiên được điều trị bằng phương pháp này. Sau gần 1 năm điều trị bằng tế bào gốc, các tế bào cơ tim bị nhồi máu của ông S. như được sống lại, các chỉ số hoạt động của tim trở lại bình thường. Hiện ông S. đã có thể tiến hành những hoạt động thể lực hằng ngày như đi bộ, chạy bước nhỏ, leo cầu thang mà không bị khó thở, các chỉ số hoạt động tim mạch đã được phục hồi.
Mang lại cho người bệnh thêm cơ hội được cứu sống
TS. Phạm Mạnh Hùng- Bộ môn Tim mạch- Đại học Y Hà Nội/ Viện tim mạch Việt Nam, một trong những người trực tiếp thực hiện kỹ thuật này cho biết, đây là kỹ thuật điều trị mới nhất trên thế giới cho những tổn thương cơ tim không thể phục hồi. Các bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam là những người bị nhồi máu cơ tim, mặc dù đã được điều trị nội khoa và can thiệp nhưng chức năng hoạt động của vùng cơ tim bị nhồi máu vẫn không đảm bảo, phân số tống máu của tim thấp, có dấu hiệu suy tim. Tiêu chuẩn để lựa chọn bệnh nhân cho ứng dụng ban đầu kỹ thuật này là những người dưới 70 tuổi, phân số tống máu(EF) trong khoảng từ 30-40%.
Các bác sĩ lấy khoảng 200 ml dịch tuỷ xương, tách lấy còn 10ml dung dịch chứa những tế bào gốc không chọn lọc, dùng ống thông như thủ thuật của tim mạch can thiệp bơm dung dịch tế bào gốc vào tận vùng cơ tim bị tổn thương. Bóng nong ĐMV được bơm căng để gây tắc tạm thời ĐMV- thủ phạm gây nhồi máu cơ tim, sau đó truyền tế bào gốc qua nòng của quả bóng nong nói trên nhằm kéo dài tối đa thời gian tiếp xúc giữa các tế bào gốc và mạng lưới vi mạch của ĐMV thủ phạm. Sau 6 tháng đến 1 năm điều trị bằng kỹ thuật này cả 6 bệnh nhân đầu tiên đều không có biến chứng, các kết quả trên lâm sàng, xét nghiệm, siêu âm tim, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, chụp mạch bước đầu đều cho kết quả bệnh được cải thiện tùy mức độ.
Theo TS. Phạm Mạnh Hùng, tế bào gốc không chọn lọc từ tuỷ xương khá phù hợp và tiện dụng để cấy vào cơ tim nhờ việc dễ ứng dụng (về kỹ thuật) và khả năng phát triển theo nhiều kiểu khác nhau (theo đường trung mô) để hình thành tế bào cơ trơn, cơ tim, mạch máu non - là ba loại tế bào chủ chốt của quả tim. Hiện nay trên thế giới, tế bào gốc được ứng dụng điều trị ở nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau như nhồi máu cơ tim cấp; bệnh ĐMV mạn tính không còn khả năng nong, mổ bắc cầu; suy tim mạn tính; giãn cơ tim; bệnh động mạch ngoại vi không thể can thiệp... Nguồn lấy tế bào gốc để điều trị cũng rất phong phú, có thể lấy từ tủy xương cũng có thể lấy từ nguyên bào cơ vân (myoblast), tế bào cơ tim gốc, nguyên bào phôi, tế bào gốc từ máu ngoại vi... Cách thức tiến hành đưa tế bào gốc vào quả tim cũng qua nhiều đường khác nhau, có thể là truyền qua đường mạch máu, tiêm trực tiếp vào thành tâm thất hoặc tiêm trực tiếp vào vùng cơ chi dưới bị tổn thương...
Tại Thái Lan, chi phí cho mỗi ca bệnh dùng kỹ thuật này là 20.000 USD, còn tại Mỹ thì đắt hơn vài lần, ở nước ta chi phí trung bình mỗi ca là 10.000 USD. Các bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam hiện đang được điều trị miễn phí (vì đây là một dự án thuộc một nhánh nằm trong đề tài khoa học cấp nhà nước về ứng dụng tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý tim mạch và cơ quan tạo máu của Trường đại học Y Hà Nội). Quá trình lấy tế bào gốc và sàng lọc phải được thực hiện bởi các chuyên gia về huyết học tại Bệnh viện 108, do vậy không chỉ khó khăn về kinh phí mà muốn hình thành được một quy trình điều trị hoàn chỉnh phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các chuyên khoa tim mạch và huyết học.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kỹ thuật điều trị bằng tế bào gốc đang khẳng định những thành công ban đầu đầy hứa hẹn, mở ra nhiều cơ hội cho những bệnh nhân tim mạch hiểm nghèo.
Lê Hảo-skds
1 comments:
Qua đọc bài viết trên tôi muốn hỏi Quý báo là:
Tôi có con trai 6 tháng tuổi bị bệnh cơ tim giãn thì có thể áp dụng phương pháp này được không? Làm thế nào để liên hệ để chữa bệnh cho con tôi.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Phạm Văn Hóa
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La
Số 40, đường Lò Văn Giá
Thành phố Sơn la, tỉnh Sơn La
Điện thoại: 0919984369
Ý kiến từ bạn:
Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.