Viện tim mạch Việt Nam vừa đưa vào sử dụng 2 kỹ thuật tim mạch can thiệp (TMCT) mới nhất hiện nay, đó là khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng động mạch và siêu âm trong lòng động mạch. Đây là những kỹ thuật mang tính đột phá cho điều trị các bệnh lý tim mạch bằng biện pháp can thiệp. Để làm rõ hiệu quả của những kỹ thuật hiện đại này, phóng viên (PV) báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Quang Tuấn - Tổng thư ký Hội TMCT Việt Nam - một trong những chuyên gia hàng đầu nước ta về lĩnh vực này.
TS. Nguyễn Quang Tuấn. |
TS. Nguyễn Quang Tuấn: Thứ nhanh “già” nhất trên đời có lẽ là kỹ thuật. Tại nhiều trung tâm TMCT lớn của Mỹ, Nhật..., các phương pháp mới của TMCT không ngừng ra đời, ngày càng nhiều bệnh lý tim mạch phức tạp được xử trí bằng biện pháp can thiệp một cách hiệu quả và an toàn. Trong dòng chảy mạnh mẽ của công nghệ y học hiện đại, không chỉ lĩnh vực TMCT mà tất cả các lĩnh vực y học khác ở nước ta cũng cần phải cập nhật và bắt kịp, thậm chí còn phải có những nghiên cứu và ứng dụng mới. Nếu không, tay nghề của bác sĩ sẽ tụt hậu còn người bệnh thì không được thụ hưởng chất lượng điều trị tốt nhất. Chính vì vậy, việc ứng dụng khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng động mạch và siêu âm trong lòng động mạch là bước đi cần thiết.
PV: Vậy thì siêu âm trong lòng động mạch và khoan cắt mảng xơ vữa được thực hiện như thế nào?
TS. Nguyễn Quang Tuấn: Siêu âm trong lòng động mạch là một bước tiến thực sự quan trọng cho việc đánh giá chính xác nhất tổn thương trong lòng động mạch. Người ta dùng một đầu dò siêu âm đưa vào tận nơi động mạch vành (ĐMV), phát hiện kích thước lòng ĐMV, tìm xem nguyên nhân tắc là do huyết khối hay mảng xơ vữa hay một bệnh lý nào khác trong lòng động mạch. Tuỳ thuộc vào kết quả siêu âm có được mà bác sĩ sẽ quyết định điều trị bằng biện pháp can thiệp nào, có thể dùng bóng nong, đặt stent, hút huyết khối trong lòng động mạch hay dùng khoan có đầu kim cương khoan cắt mảng xơ vữa hoặc phải phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành.
Khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng động mạch (Rotablator) được thực hiện bởi đầu khoan bọc kim cương quay với tốc độ cao (150.000-200.000 vòng/phút) có thể đẩy trượt trên dây dẫn trong ĐMV để cắt phân biệt các tổn thương xơ vữa. Rotablator cắt mảng xơ vữa thành các mảnh vụn có đường kính nhỏ hơn 10 mm, có thể đi qua hệ thống vi tuần hoàn và được làm sạch bởi hệ thống võng nội mô. Đầu khoan cắt hoạt động theo nguyên tắc cắt phân biệt. Cắt phân biệt vì thành mạch bình thường đàn hồi bị uốn đi, lệch khỏi đầu khoan, trong khi những đoạn động mạch bị bệnh cứng hơn và không mềm mại sẽ bị cắt chọn lọc. Đầu khoan nên đẩy từ từ qua tổn thương và tốc độ ít thay đổi. Khi đầu khoan đi qua toàn bộ chiều dài của tổn thương, đưa qua lại vài lần “đánh bóng” để đảm bảo không còn sự cản trở nào. Kết quả là lấy đi một cách phân biệt những mảng xơ vữa không đàn hồi vì bị canxi hoá, để lại bề mặt trơn, nhẵn cho lòng ĐMV.
PV: TS có thể cho biết hiệu quả của những kỹ thuật này như thế nào, đặc biệt là so sánh với các biện pháp can thiệp khác?
TS. Nguyễn Quang Tuấn: Để đánh giá mức độ tổn thương trong lòng động mạch, người ta sử dụng phương pháp chụp mạch dùng thuốc cản quang. Với biện pháp này hầu như chỉ phát hiện ra thay đổi thực sự của đường kính lòng động mạch mà không phát hiện chính xác các tổn thương trong lòng động mạch, vì đây là đánh giá gián tiếp. Nhưng với sự ra đời của thiết bị siêu âm trong lòng động mạch đã cho những kết quả mà các biện pháp khác không thực hiện được, đặc biệt là tìm ra được các mảng xơ vữa thầm lặng, do đầu dò được đưa vào kiểm tra trực tiếp trong lòng động mạch. Với kết quả có được, giúp các chỉ định can thiệp chính xác và hiệu quả hơn. Ví dụ như lựa chọn loại stent thích hợp khi đo đường kính lòng mạch. Không những thế, nó còn đánh giá được kết quả sau can thiệp xem stent nở ra có áp sát vào thành mạch hay không, nếu stent không nở hết sẽ hình thành huyết khối gây tắc mạch. Siêu âm cũng kiểm tra xem sau đặt stent có gây bóc tách thành mạch hay không kể cả những bóc tách nhỏ nhất mà chụp mạch không thấy được, vì chỉ cần một tổn thương nhỏ cũng gây ra huyết khối dẫn đến nhồi máu cơ tim. Vì thế trong những trường hợp chụp mạch không cho kết quả rõ ràng thì nên thực hiện siêu âm.
Trong điều trị xơ vữa ĐMV gây ra đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim bằng can thiệp thường là dùng bóng nong hoặc/và đặt stent. Nhưng trong trường hợp mảng xơ vữa bị canxi hoá thì các biện pháp trên không hiệu quả hoặc thất bại, do vậy những bệnh nhân này đều phải chỉ định bắc cầu nối chủ vành. Còn với đầu khoan bằng kim cương và tốc độ quay siêu tốc, các mảng xơ vữa xơ cứng đều được xử trí. Tuỳ theo mức độ tái hẹp ĐMV mà sau khi khoan cắt có thể bệnh nhân được đặt stent để duy trì tốt nhất đường kính lòng mạch. Cũng như sau các kỹ thuật can thiệp khác, sau khoan cắt mảng xơ vữa trong lòng động mạch, bệnh nhân cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ về dùng thuốc, tái khám và các biện pháp thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, giảm cân nếu thừa cân - béo phì... để có được kết quả điều trị tốt nhất.
PV: Xin cảm ơn TS!
Hảo Lê (thực hiện)
0 comments:
Ý kiến từ bạn:
Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.