Nhiều bạn đọc hỏi có nên tự ý dùng thuốc aspirin để phòng bệnh lý tim mạch, hoặc dùng các chế phẩm chứa các chất như lumbrokinase, nattokinase để thay thế aspirin nhằm dự phòng tái phát nghẽn mạch máu não?
Ta cần biết khi một cục máu đông hay còn gọi là huyết khối hình thành trong mạch máu sẽ làm nghẽn mạch. Đặc biệt nghẽn mạch xảy ra ở các mạch máu quan trọng như mạch vành sẽ gây đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, hay mạch máu ở não sẽ gây tai biến mạch máu não.
Để điều trị và dự phòng huyết khối-nghẽn mạch xảy ra trong các bệnh lý tim mạch, hiện nay có ba nhóm thuốc được sử dụng:
Nhóm thuốc chống đông thật sự: như heparin và các heparin có trọng lượng phân tử thấp (enoxaparin, dalteparin), các dẫn chất coumarin. Tác dụng của thuốc là cản trở, ngăn chặn quá trình hình thành cục máu đông.
Nhóm thuốc tiêu huyết khối: là các enzym như steptokinase, urokinase hoặc glycoprotein như alteplase viết tắt là t-PA (tissue plasminogen activator, có nghĩa chất hoạt hóa plasminogen ở mô). Tác dụng của thuốc là làm tiêu fibrin đưa đến làm tan cục máu đông.
Nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu: như aspirin, dipyridamol, ticlopidin… Tác dụng của thuốc là ức chế tiểu cầu kết tập, không cho chúng tụ lại để hình thành cục máu đông.
Lưu ý, nhóm thuốc tiêu huyết khối thường được dùng để điều trị huyết khối-nghẽn mạch. Còn hai nhóm kia thường được dùng để dự phòng tái phát, tức là dùng khi người bệnh đã bị đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc bị tai biến mạch máu não do huyết khối-nghẽn mạch, sau các biến cố đó dùng thuốc để ngừa tái phát.
“Việc ngưng thuốc, thêm thuốc, bớt thuốc, thay thế thuốc nhất thiết phải hỏi bác sĩ trực tiếp điều trị”
Riêng aspirin được dùng liều thấp (thường là 81mg hằng ngày) để phòng ngừa hoặc dự phòng tái phát bệnh lý tim mạch do huyết khối – nghẽn mạch. Tuy dùng liều thấp vẫn có khuyến cáo là để bác sĩ chỉ định chứ người bệnh không nên tự ý dùng. Mặc dù dùng liều thấp nhưng aspirin có thể gây tác dụng phụ, trong đó gây viêm loét dạ dày tá tràng.
Về các chế phẩm chứa lumbrokinase được cho là enzym được tiết ra từ con giun đất (địa long) hoặc nattokinase là chất trích ra từ đậu nành lên men. Hai chất này được nhà sản xuất giới thiệu là có tác dụng làm tiêu fibrin giống như t-PA (thuộc nhóm tiêu huyết khối đã kể trên).
Ở đây xin có hai nhận xét. Một là, nếu chế phẩm có tác dụng thật sự giống như t-PA thì chế phẩm chỉ dùng trong điều trị bệnh chứ không được dùng để dự phòng tái phát huyết khối-nghẽn mạch (tức không giống như aspirin hay nhóm chống tập kết tiểu cầu đã kể trên). Hai là, được biết đây là chế phẩm “bổ sung dinh dưỡng” hay còn gọi là “thực phẩm chức năng”. Nếu đúng như thế thì “đây không phải là thuốc, không được dùng thay thế thuốc!”.
Như vậy, bạn không nên tự ý thay thế thuốc aspirin 81mg mà bác sĩ đã chỉ định dự phòng tái phát nghẽn mạch máu não bằng chế phẩm vừa nêu. Bạn nên trở lại bác sĩ trước đây để hỏi ý kiến về việc thay đổi thuốc. Xin lưu ý, trong sử dụng thuốc nói chung, đặc biệt là thuốc bệnh tim mạch, việc ngưng thuốc, thêm thuốc, bớt thuốc, thay thế thuốc (ngay cả thay thế thuốc bằng “thực phẩm chức năng”) nhất thiết phải hỏi bác sĩ trực tiếp điều trị.
(Tuổi trẻ – PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC)
0 comments:
Ý kiến từ bạn:
Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.