10 năm về trước, tim mạch can thiệp (TMCT) ở Việt Nam chẳng khác gì một đứa trẻ mới tập đi, thậm chí tên gọi cũng thật xa lạ với giới chuyên môn và người bệnh. Nhưng chỉ trong vòng một thập kỷ, với những bước đi "Phù Đổng" của mình, TMCT đã trở thành một mũi nhọn của y học Việt Nam hiện đại. Trên con đường đi đến những thành công chứa đựng bao nỗi nhọc nhằn và có cả nước mắt.
Sức mạnh và sự quyến rũ
Đêm lùi dần về khuya, thành phố ngủ say trong giá lạnh của mùa đông, những người bệnh trong Bệnh viện Bạch Mai cũng đã ngủ thiu thiu, nhưng lúc lúc những chiếc xe cấp cứu lại xé toang không gian bệnh viện bởi tiếng còi hú. Một chiếc xe 115 rú còi inh ỏi hối hả tiến vào cửa Viện Tim mạch, các nhân viên y tế chật vật đưa từ xe ra một người đàn ông khoảng 60 tuổi, khá to béo trong tình trạng ngực đau dữ dội. Ngay lập tức bệnh nhân được đặt trong tình trạng cấp cứu. Kết quả chụp mạch cho thấy đây là một ca nhồi máu cơ tim cấp, có 2 nhánh động mạch vành bị tắc do mảng xơ vữa, nếu không xử trí nhanh chóng bệnh nhân sẽ tử vong vì cơ tim bị hoại tử. Chỉ trong ít phút, mọi điều kiện trong Phòng tim mạch can thiệp đã sẵn sàng, mọi bước chuẩn bị đều cực kỳ linh hoạt và chuyên nghiệp. Bệnh nhân được đưa vào phòng can thiệp để đặt stent động mạch vành. Đây là một ca bệnh phức tạp, bệnh nhân phải đặt 2 stent trên 2 nhánh động mạch vành trong tình trạng cấp cứu, bản thân bệnh nhân lại bị đái tháo đường, tăng lipid máu, huyết động không ổn định. Nhịp đập phập phồng của trái tim người bệnh trên màn hình can thiệp như một đồng hồ đếm ngược thời gian. Sau hơn 2 giờ can thiệp, người bệnh được cứu sống, các stent đã giải thoát sự tắc nghẽn của động mạch vành, mang máu đến tưới cho vùng cơ tim bị nhồi máu.
Tim mạch can thiệp đã giúp nhiều người bệnh tim mạch thoát hiểm. |
Người ta ví TMCT như một chàng trai trẻ, khoẻ mạnh và quyến rũ. Đó là một chuyên ngành còn mới mẻ với cả thế giới và ở Việt Nam nhưng những bước đi của nó khiến người ta không khỏi kinh ngạc. Trong Đại hội tim mạch ASEAN lần thứ 17 vừa qua tại Hà Nội, kỹ thuật can thiệp hoàn hảo của các bác sĩ TMCT Việt Nam thể hiện trong nhiều ca can thiệp trực tiếp đã để lại ấn tượng sâu sắc với các đồng nghiệp đến từ nhiều nơi trên thế giới. GS. Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam và GS. Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, hãnh diện với bạn bè quốc tế khi các học trò "trình làng" là một dàn bác sĩ TMCT trẻ trung, năng động. Chính sức hấp dẫn của chuyên ngành TMCT đang thu hút rất nhiều bác sĩ trẻ xuất sắc. Bởi muốn trở thành một bác sĩ TMCT, họ phải giỏi về lâm sàng tim mạch, sử dụng hiệu quả các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, khéo léo trong thao tác kỹ thuật và cần có sự nhạy cảm đặc biệt trước sự sống của mỗi trái tim.
"Biển mặn như nước mắt"
Cảm xúc về những ngày đầu tiên (năm1997) khi bắt đầu đưa TMCT vào điều trị vẫn còn nguyên vẹn với TS. Phạm Mạnh Hùng- Trưởng phòng Tim mạch can thiệp. Ngày ấy, TMCT còn là lĩnh vực rất mới trên thế giới, còn ở Việt Nam đây là một khái niệm còn quá xa lạ, mặc dù trước đó có những ca thông tim để chẩn đoán nhưng chưa phải làm can thiệp thực sự. Dù có thận trọng đến mấy thì những bước đi đầu tiên của TMCT lúc bấy giờ cũng không thể tránh khỏi những vấp ngã. Ca can thiệp rối loạn nhịp có sự hỗ trợ của các chuyên gia Mỹ đã thất bại, vị GS người Mỹ bật khóc nức nở, đó là nỗi buồn không thể nào quên được. Với kỹ thuật can thiệp động mạch vành, thách thức đầu tiên là một trường hợp bị tắc động mạch vành và có nhiều biến chứng phức tạp, đoạn mạch vành bị tắc rất dài, bệnh nhân là người cao tuổi, có chỉ định phải nong vành và đặt stent. Khi cho ống thông đi qua chỗ tổn thương và đặt được stent xong nhưng khi rút ra thì đầu dây dẫn bị đứt lại trong đó. Đây là một dây dẫn cũ, xin lại từ những thiết bị đã qua sử dụng của các đồng nghiệp Mỹ. Vì chưa có kinh nghiệm xử trí, các bác sĩ trẻ vội vàng cho bệnh nhân chuyển ngay lên Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật. Nhưng bệnh nhân bị biến chứng suy thận nặng và đã tử vong.
Trọng trách để phát triển chuyên ngành TMCT được đặt lên vai những bác sĩ trẻ, những người đang hoặc vừa bước qua tuổi 20, vinh quang sẽ đến ở ngày mai nếu họ vượt qua được những khó khăn khi mọi thứ bắt đầu từ con số 0. Không có tiền mua thiết bị can thiệp, tất cả những dụng cụ nong van, nong động mạch vành... đều phải xin lại của những đồng nghiệp thân thiết ở Mỹ, Pháp. Các dụng cụ đó cũng không đồng bộ, nhưng nhiệm vụ phải thực hiện can thiệp thành công bằng những thứ "cọc cạch" ấy. Đã có những đêm trắng họ phải thức trông bệnh nhân, hồi hộp theo dõi từng biến chuyển sau biến chứng. Chia sẻ với sự nhiệt tình học hỏi của các bác sĩ trẻ của Viện Tim mạch Việt Nam, các bác sĩ người Việt ở nước ngoài như BS. Thạch Nguyễn, Lê Minh Khôi mang cả dụng cụ từ Mỹ về làm cùng họ.
Sự xuất hiện của TMCT không nhận được sự ủng hộ ngay của các đồng nghiệp khác trong nước, rất nhiều người nghi ngờ hiệu quả của biện pháp điều trị này. Báo cáo sau vài ca can thiệp đầu tiên có cả những thất bại và thành công không tìm được sự công nhận của các nhà khoa học.
Người ta nghĩ rằng không hiệu quả hơn phẫu thuật, gây biến chứng nhiều hơn. Với kỹ thuật đặt stent nong động mạch vành bị tắc vì xơ vữa động mạch còn bị cho là quá xa vời. Lúc đó nhiều người cho rằng đó là bệnh của các nước phát triển, có chế độ ăn quá dư thừa dinh dưỡng. Cũng có thể với những bác sĩ còn quá trẻ chưa hề tạo dựng được tên tuổi, đảm nhận một kỹ thuật hoàn toàn mới lại càng khó thuyết phục giới chuyên môn. Mãi đến khi 200 ca TMCT được báo cáo với những hiệu quả rõ rệt thì TMCT mới bắt đầu có vị trí của mình trên diễn đàn y học.
Trên con đường gập ghềnh thử thách bản lĩnh và trí tuệ của những bác sĩ trẻ, niềm vui đến sau mỗi thành công còn hàng nghìn bài học họ có được phải trả giá bằng những thất bại đầy nước mắt.
Cánh tay đang ngày một vươn xa
Năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện 2 ca TMCT truyền hình trực tiếp sang Hội nghị tim mạch quốc tế ở Singapore, và vừa qua trở thành chủ nhà của Đại hội tim mạch Đông Nam Á lần thứ 17. Giờ đây không chỉ có Viện Tim mạch Việt Nam mà nhiều trung tâm TMCT đã được hình thành trên cả nước. Chúng ta không chỉ học ở các nước khác mà có những kỹ thuật họ phải đến học mình, trong đó điều trị hẹp van 2 lá bằng bóng inoue là một ví dụ. Nhiều bệnh lý tim bẩm sinh như thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch... đã được thực hiện thành công hàng nghìn ca. Không chỉ có bệnh lý tim mạch đặc trưng của nước nghèo như hẹp hở van tim do thấp, các bệnh tim bẩm sinh mà trước đây chỉ tưởng có ở nước giàu như tắc động mạch vành do xơ vữa, rối loạn nhịp... đều được xử trí thành công bằng can thiệp. Những phụ nữ mang thai hẹp van 2 lá vẫn có thể nong van trong khi nếu phẫu thuật có thể gây sảy thai do liên quan đến quá trình gây mê. Hay vẫn có thể vừa cấp cứu vừa đặt stent động mạch vành cho những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, kể cả khi bệnh nhân đã chết lâm sàng...
Sự phát triển của TMCT đang biến những điều "không thể" trở thành "có thể". Những mảng xơ vữa bị canxi hóa vẫn có thể được khoan cắt bằng can thiệp, các thiết bị siêu âm lòng động mạch được ứng dụng cho phép phát hiện sớm và chính xác những tổn thương mà chụp mạch không tìm thấy. Trước đây, người ta không thể tưởng tượng được có thể thay van tim và sửa van tim qua ống thông nhưng giờ đây điều đó là sự thật. Đây cũng là kỹ thuật TMCT mới nhất trên thế giới, dự kiến năm 2009 sẽ ứng dụng tại Việt Nam. Cánh tay TMCT đang ngày một vươn xa với sự hỗ trợ đặc biệt của khoa học công nghệ, TMCT trở thành một trong những lĩnh vực y tế kỹ thuật cao thành công nhất ở Việt Nam, đáp ứng xu thế phát triển của y học hiện đại: điều trị ít xâm lấn.
Suckhoedoisong
0 comments:
Ý kiến từ bạn:
Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.