Một tối giữa tháng năm, khoa nhi Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang tiếp nhận em Trần Trọng Ph., 27 tháng tuổi, nhà ở An Giang, trong tình trạng tím tái, ngưng thở, ngưng tim. Em được các bác sĩ hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, thở máy. Sau đó tim đập lại nhưng vẫn còn hôn mê.
Trước đó một giờ em Ph. sống trên ghe cá cùng gia đình bị lọt xuống hầm cá. Gia đình tìm kiếm một lúc lâu mới vớt em lên, rồi xốc nước, hà hơi thổi ngạt và đưa đến bệnh viện.
Hằng năm, tỉnh Tiền Giang hay gặp nhiều trẻ em sắp chết đuối do gia đình bất cẩn khi sống trong vùng sông nước. Ngoài việc chăm sóc cẩn thận của gia đình, nếu chúng ta biết một số kiến thức về cấp cứu sẽ góp phần giảm thiểu số người chết đuối.
Khi có người chết đuối, việc đầu tiên là nhanh chóng vớt người bị nạn ra khỏi nước, làm thông đường thở bằng cách lấy các dị vật ra khỏi miệng, sau đó thổi ngạt và ấn tim.
” Có trường hợp cấp cứu trên một giờ, nạn nhân hôn mê nhiều ngày nhưng sau đó vẫn sống”
Không nên tốn thời gian cho việc xốc nước, vì nếu kéo dài thời gian ngưng tim ngưng thở quá 4 phút não chắc chắn sẽ bị tổn thương không hồi phục, người bị nạn có sống lại được cũng bị ảnh hưởng đến thần kinh sau này. Nếu quá 10 phút mà chưa được cấp cứu thì chắc chắn tử vong. Hơn nữa người ta thấy rằng có khoảng 10% trẻ bị chết đuối không có hít nước vào phổi do có hiện tượng phản xạ co thắt thanh môn làm nước không thể vào được bên trong đường thở.
Trong dân gian thường xốc nước bằng cách cõng em bé ngược đầu xuống đất chạy nhiều vòng, hoặc dùng lu đốt lửa và lăn em bé. Những việc làm này không tốt cho em bé, khiến não em bé tổn thương thêm do ngừng tim ngừng thở kéo dài.
Việc thổi ngạt và ấn tim phải làm ngay tại chỗ và tiếp tục thực hiện liên tục trên phương tiện di chuyển nạn nhân (xuồng, ghe, xe, cáng…). Đặt bệnh nhân nằm ngửa, nâng cằm và thổi ngạt. Nếu có tổn thương cột sống cổ thì cố định cổ để tránh di lệch cột sống cổ.
Thổi mạnh vào mũi, miệng nạn nhân hai cái sao cho lồng ngực nhô lên khi thổi mới có hiệu quả. Nếu có ngưng tim thì kết hợp ấn tim. Ấn sâu 2-3cm vào trên mấu xương ức một khoát ngón tay (1-8 tuổi) hoặc hai khoát ngón tay (trên 8 tuổi). Thông thường thổi ngạt 1 cái, ấn tim năm cái và làm liên tục.
Nếu sau 30-60 phút thổi ngạt ấn tim nhưng tim vẫn không đập lại, đồng tử dãn to thì xem như không thể cứu sống nạn nhân. Kiên trì cấp cứu cho nạn nhân và không mất niềm hi vọng, thực tế có trường hợp cấp cứu trên một giờ, nạn nhân hôn mê nhiều ngày nhưng sau đó vẫn sống.
(Suckhoegiadinh.org sưu tầm – BS NGUYỄN THÀNH ÚC)
0 comments:
Ý kiến từ bạn:
Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.