Vi khuẩn liên cầu và bệnh thấp tim

Bệnh thấp tim tức là bệnh về tim nhưng có mối liên hệ giữa viêm khớp và bệnh tim. Bệnh thường gặp chủ yếu ở trẻ em và thanh, thiếu niên. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh thấp tim thuộc lứa tuổi học sinh (từ 7-15 tuổi) chiếm khoảng 0,3%. Trong dân gian hay có câu “thấp khớp đớp tim”. Thực ra bệnh thấp tim còn liên quan đến nhiều vấn đề quan trọng khác nhưng chủ yếu vẫn là tác nhân gây bệnh do vi khuẩn liên cầu, viêm họng và sự đáp ứng của cơ thể. Cũng xin lưu ý rằng trong họ vi khuẩn liên cầu không phải bất kỳ vi khuẩn liên cầu nào cũng có khả năng gây nên bệnh thấp tim mà chỉ có vi khuẩn liên cầu nhóm A (Streptococcus pyogenes) mới là kẻ thù đáng sợ, mặt khác cũng không phải bất kỳ người nào nhiễm liên cầu nhóm A cũng mắc bệnh thấp tim.

Liên cầu khuẩn nhóm A.

Tại sao liên cầu nhóm A (Streptococcus pyogenes) là căn nguyên gây bệnh thấp tim?

Họ vi khuẩn liên cầu gồm nhiều loài khác nhau, chúng có một số đặc điểm sinh học giống nhau nhưng lại có nhiều đặc điểm khác nhau, một số đặc điểm sinh học có ở loài liên cầu này nhưng lại không có ở loài liên cầu khác và ngược lại. Người ta phân chia liên cầu thành nhiều nhóm được đặt tên từ A đến R. Mỗi nhóm liên cầu gây nên một số bệnh khác nhau nhưng chỉ có liên cầu nhóm A mới có khả năng gây bệnh thấp tim ở người.

Thực ra liên cầu nhóm A không chỉ gây nên bệnh thấp tim mà chúng còn có khả năng gây nhiều bệnh có liên quan đến bệnh thấp tim. Bệnh hay gặp nhất do liên cầu nhóm A gây ra là viêm họng mà hay gặp là thể viêm amidan. Trong bệnh viêm amidan thường amidan sưng to, có khi có hốc, trong các hốc có mủ. Khi amidan bị viêm người ta có thể tìm thấy vi khuẩn liên cầu nhóm A bằng nuôi cấy phân lập (xin lưu ý là nhuộm trực tiếp từ bệnh phẩm lấy từ chất nhày họng hoặc mủ ở amidan bằng phương pháp gram chỉ xác định được hình thể và tính chất bắt màu, cách sắp xếp của vi khuẩn liên cầu chứ không xác định được là liên cầu thuộc nhóm nào).

Về mặt cấu tạo có giả thuyết cho rằng, liên cầu nhóm A có cấu trúc vách tế bào, một số tổ chức có cấu trúc gần giống với cấu trúc của bao khớp, cầu thận, gờ cơ, cột cơ của tim người do vậy khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người (gây viêm họng, amidan...) thì cơ thể sẽ sinh ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh là liên cầu nhóm A. Chính kháng thể chống liên cầu nhóm A do cơ thể gây ra lại có tác dụng chống lại tổ chức bao khớp, gờ cơ, cột cơ và hậu quả là các tổ chức của con người bị hư hỏng dần dần và mắc bệnh. Điều quan trọng là người ta cũng đã chứng minh được rằng có sự phản ứng chéo giữa kháng nguyên của liên cầu nhóm A với kháng nguyên tổ chức cơ tim và thành phần glycoprotein của van tim.

Bằng cách nào để xác định được trẻ bị nhiễm liên cầu nhóm A?

Như đã trình bày ở phần trên, trong một số trường hợp trẻ bị viêm amidan thường tác nhân gây nhiễm khuẩn là liên cầu nhóm A. Vì vậy trong tiền sử bệnh, bệnh nhi có viêm amidan, viêm họng, đặc biệt là trong các trường hợp viêm họng, viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần có thể có vai trò của vi khuẩn liên cầu nhóm A. Khi người thầy thuốc khám họng nghi là viêm do vi khuẩn, thầy thuốc cho làm xét nghiệm. Có 2 loại xét nghiệm để xác định liên cầu nhóm A. Xét nghiệm trực tiếp tức là nhuộm soi xem có vi khuẩn liên cầu hay không? Từ đó sẽ có yêu cầu phân lập và xác định vi khuẩn liên cầu nhóm A. Xét nghiệm này mới chỉ cho phép nói trẻ bị viêm họng do liên cầu nhóm A. Để xác định trẻ có nguy cơ thấp tim hay không người ta còn phải xét nghiệm máu tìm kháng thể chống liên cầu nhóm A (xét nghiệm gián tiếp). Xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng liên cầu nhóm A được gọi là làm phản ứng ASLO (Anti Streptolysin O). Streptolysin O là một loại kháng nguyên đặc hiệu của liên cầu nhóm A khi xác định được nó trong máu với một số lượng vượt quá chỉ số cho phép trên một cơ thể bình thường là thuộc loại bệnh lý. Ngày nay người ta cũng đã sản xuất ra một loại test ASLO xác định nhanh, test này chỉ trong một thời gian ngắn có thể biết được trong máu bệnh nhân có kháng thể kháng liên cầu nhóm A hay không nhưng mang tính chất định tính, không thể dựa vào kết quả này để nói bệnh nhân mắc bệnh thấp tim, tuy vậy test này cũng có giá trị nhất định là giúp cho bác sĩ điều trị nghĩ đến cần phải xác định lượng kháng thể kháng liên cầu nhóm A trong máu bệnh nhân (làm ASLO định lượng) để chẩn đoán xác định.

Khi phát hiện trẻ bị nhiễm liên cầu nhóm A nên làm gì?

Như trên đã trình bày, vi khuẩn liên cầu nhóm A là loại vi khuẩn rất nguy hiểm bởi lẽ chúng có thể gây nên một số bệnh trong đó nguy hiểm nhất là bệnh thấp tim. Khi phát hiện trong chất nhày họng hoặc mủ của viêm amidan có loài vi khuẩn này cần được điều trị một cách triệt để. Sau khi đã được dùng kháng sinh để điều trị, hằng tháng nên kiểm tra lại (xét nghiệm chất nhày họng) xem đã hết hẳn vi khuẩn liên cầu nhóm A hay chưa. Song song với việc điều trị, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm máu để định lượng kháng thể kháng liên cầu nhóm A trong máu bệnh nhân (định lượng ASLO). Khi lượng kháng thể trong máu bệnh nhân vượt quá mức cho phép bác sĩ sẽ kết hợp với các dấu hiệu lâm sàng và tư vấn để bệnh nhi được tiêm phòng thấp ở các khoa nhi hoặc bệnh viện nhi. Tại đây bệnh nhân sẽ được theo dõi một cách cẩn thận cả về các triệu chứng lâm sàng, cả về xét nghiệm trong một thời gian do bác sĩ điều trị chỉ định.

PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu - SKĐS


Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.