Phương pháp mới cứu sống bệnh nhân chảy máu do xơ gan

Lần đầu tiên phương pháp phân lưu cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh - TIPS được các bác sĩ Khoa tim mạch can thiệp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công, cứu sống hai bệnh nhân chảy máu tiêu hóa nặng do xơ gan lâu năm. Kỹ thuật này giải quyết triệt để tình trạng chảy máu ở bệnh nhân bị xơ gan, tránh cho bệnh nhân khỏi tử vong do mất máu hoặc hôn mê gan.

Bệnh nhân xơ gan bị chảy máu có nguy cơ tử vong cao

Ông Trần Văn B., 55 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) bị viêm gan do virut dẫn đến xơ gan. Ông thường xuyên phải vào viện cấp cứu vì chảy máu tiêu hóa. Trước đó, ông đã được phẫu thuật nội soi để thắt các búi giãn bằng vòng cao su nhưng bệnh lại tái phát. Năm 2009, ông đã phải cấp cứu tới 5 lần vì biến chứng chảy máu tiêu hóa nặng do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản - phình vị tái diễn, không thể điều trị dứt hẳn, nguy cơ tử vong rất cao. Cuối cùng, ông được các bác sĩ Bệnh viện TWQĐ 108 tiến hành áp dụng phương pháp mới, đặt stent để phân lưu cửa chủ, giảm áp lực các nơi phồng, giãn và hết chảy máu. TS. Lê Văn Trường, Chủ nhiệm Khoa tim mạch can thiệp cho biết, đây là bệnh nhân thứ hai tại Việt Nam được áp dụng phương pháp này.

Theo BS. Nguyễn Hữu Toản, Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội, giãn tĩnh mạch thực quản là một trong những biểu hiện của hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong. Nếu tĩnh mạch thực quản giãn không vỡ tái phát sau 6 tuần, tiên lượng tử vong của bệnh nhân tương đương người chưa hề bị vỡ tĩnh mạch thực quản trước đó. Chảy máu tái diễn sẽ khiến bệnh nhân tử vong vì mất máu, thúc đẩy nhanh quá trình bệnh nhân bị xơ gan, thậm chí sau 1 lần chảy máu dẫn tới hôn mê gan và tử vong tức thì.

Kỹ thuật khó giải quyết triệt để chảy máu

Có đến 50% người mắc bệnh xơ gan bị giãn tĩnh mạch thực quản. Mỗi năm, số người bị giãn tĩnh mạch thực quản tăng khoảng 5 - 15%.

Giãn tĩnh mạch thực quản sẽ hình thành ở tất cả các bệnh nhân xơ gan, nhưng chúng chỉ vỡ ở 1/3 số bệnh nhân này.

Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân bị vỡ giãn tĩnh mạch thực quản (nếu không có xơ gan) là 5 - 10%. Nếu có xơ gan, tỷ lệ này lên đến 40 - 70%, tùy thuộc vào mức độ suy gan (5% nếu suy độ A, 25% nếu suy độ B, trên 50% nếu suy độ C).

Ở bệnh nhân bị vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, 40% tự ngưng chảy máu, nhưng 30% sẽ chảy máu trở lại trong vòng 6 tuần và 70% trong vòng 1 năm.

TS. Trường cho biết, TIPS là kỹ thuật can thiệp nội mạch được chỉ định cho bệnh nhân xơ gan có hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa biến chứng chảy máu tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản dạ dày nặng, tái diễn, điều trị nội soi và nội khoa không kết quả... Kỹ thuật này dùng máy can thiệp mạch (không phải mổ bụng), bác sĩ sẽ đưa kim từ tĩnh mạch cửa cổ phải qua tĩnh mạch chủ, qua tâm nhĩ phải vào tĩnh mạch gan và từ tĩnh mạch gan cắm kim để xuyên vào tĩnh mạch cửa (cách nhau 2 - 3 cm) sau đó đưa hệ thống dây dẫn, bóng nong để tạo đường hầm (nằm trong nhu mô gan) nối giữa tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ và đặt stent vào đường hầm để cho đường hầm có kích thước ổn định từ 8 - 10mm giúp dòng máu từ tĩnh mạch cửa chảy tắt về tĩnh mạch chủ mà không bị ứ lại. Vì vậy, tất cả các vòng nối bị giãn, bị quay ngược chiều, xẹp xuống và không vỡ. Kỹ thuật này chỉ giải quyết được tình trạng khỏi giãn và vỡ do phình tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan chứ không giải quyết được tình trạng bệnh xơ gan. Thời gian phẫu thuật từ 1 - 3 giờ tùy độ khó của từng ca. Sau 5 ngày, bệnh nhân ra viện và ổn định. Kết quả tái khám cho thấy, cả hai bệnh nhân không có tai biến biến chứng, giảm áp lực hệ tĩnh mạch cửa ngay sau can thiệp, dòng máu phân lưu trong gan từ tĩnh mạch cửa về tĩnh mạch gan tốt, các búi giãn tĩnh mạch thực quản phình vị biến mất khi kiểm tra nội soi sau 1 tháng. Theo dõi 4 tháng sau can thiệp cho thấy toàn trạng bệnh nhân tốt lên và không bị chảy máu tái phát.

Phân lưu cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh được các bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa và can thiệp mạch đã nghĩ đến từ lâu, vì số lượng bệnh nhân xơ gan tăng áp tĩnh mạch cửa bị chảy máu nhiều nhưng đây là kỹ thuật khó và phức tạp, đòi hỏi phương tiện, trình độ chuyên môn cao. Vì vậy, Bệnh viện TWQĐ 108 là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam triển khai thành công kỹ thuật này, mở ra một triển vọng trong điều trị biến chứng chảy máu tiêu hóa nặng cho bệnh nhân xơ gan tăng áp tĩnh mạch cửa ở nước ta.

Hà Anh - suckhoedoisong

Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.