Mặc dù ngành y hãnh diện trình làng nhiều bước tiến nhảy vọt trong thập niên vừa qua về kỹ thuật chẩn đoán cũng như phương tiện điều trị, bệnh tim mạch vẫn tiếp tục đứng đầu về tỉ lệ tử vong! Thống kê ở nước nào cũng thế, thậm chí ở các quốc gia có nền y tế tiên tiến càng rõ nét hơn nữa, cho thấy:
- Số người đành chịu kiếp phế nhân trên chiếc xe lăn chỉ tăng chứ không giảm, cho dù thuốc điều trị huyết áp cao không hề thiếu.
- Số nạn nhân của tình trạng nhồi máu cơ tim càng lúc càng trẻ, với số phụ nữ ngang ngửa nam giới, với tỉ lệ tử vong cao hơn trước.
- Số đối tượng mất chất lượng cuộc sống vì hậu quả của viêm tĩnh mạch ngày càng nhiều.
Máu đông làm tắc mạch
Tình trạng vừa nêu chắc chắn không kém phần nghiêm trọng ở nước mình, vì thành thật mà nói hiện vẫn chưa có phương án hữu hiệu và bài bản để:
- Phòng chống bệnh huyết áp cao cho người vừa bước vào tuổi trung niên.
- Ngăn ngừa bệnh lý mạch vành cho đối tượng phải sống chung với stress.
- Phổ biến biện pháp giảm thiểu nguy cơ do bệnh tĩnh mạch ở người phải ngồi lâu, phải đứng lâu nhiều giờ vì công ăn việc làm.
Tất cả hậu quả vừa kể lại có chung một điểm tương đồng trong cơ chế bệnh lý. Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hoại tử đầu chi... không thể xảy ra nếu không có cục máu đông làm tắc mạch.
Phải nói ngay cho công bằng, tiến trình đông máu là phản ứng tự vệ của cơ thể trước tình huống xuất huyết. Trong bệnh tim mạch chỉ kẹt ở điểm cơ thể bỗng phản ứng sai lệch khiến máu đông bên trong mạch máu, chẳng hạn do:
- Phản ứng co thắt mạch máu đột ngột ảnh hưởng của nội tiết tố phát sinh từ stress.
- Tình trạng tăng chất mỡ trong máu khiến dòng máu trở nên đậm đặc.
- Thương tổn trầy xước trên mặt trong thành mạch khiến tiểu cầu có nơi tụ tập trong lúc lướt qua.
Tình trạng trên tất nhiên càng nhanh nếu gia chủ vừa béo phì lại tiếp tay đánh bồi với thuốc lá, rượu bia, thói quen ít vận động, nếp sống thức nhiều ngủ ít, lạm dụng dược phẩm... Không lạ gì nếu bệnh tim mạch tiếp tục là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng khi thuốc lá, rượu bia ở nước ta dễ mua hơn mua báo!
Nói không với thuốc lá
Phân tích nêu trên đồng thời cho thấy một lối thoát cuối đường hầm. Đó là tìm cách giữ cho dòng máu đừng quá đậm đặc để máu dễ thoát qua các chỗ hiểm hóc. Muốn phòng ngừa tai biến mạch máu não cũng như nhồi máu cơ tim, tuy không đơn giản nhưng vẫn khả thi nếu các đối tượng thuộc nhóm “miếng mồi ngon” đừng quên một số biện pháp như:
- Tầm soát định kỳ bệnh tim mạch.
- Giảm cân cho bằng được nếu béo phì.
- Cương quyết nói không với thuốc lá.
- Tập dưỡng sinh, nhất là thiền định, nếu phải sống chung với stress.
- Vận động thể dục thể thao nếu phải ngồi yên vì công việc.
- Chú trọng các sinh - khoáng tố cần thiết để bảo vệ thành mạch như tiền sinh tố A, sinh tố E, khoáng tố kẽm, selen, crôm trong khẩu phần thường ngày.
- Phối hợp dược thảo và gia vị có công năng chống co thắt vi mạch, hạ mỡ trong máu và nhất là giữ cho máu loãng trong chế độ dinh dưỡng.
Chậm một chút
Giọt máu đào tất nhiên không nên loãng như nước lã, nhưng nếu để phòng bệnh thì càng loãng càng tốt. Để tránh cục máu đông bất ngờ đóng chốt trong não, trên thành tim thì giải pháp nói chung cũng từa tựa như gặp lúc kẹt xe.
Chen lấn khi đã kẹt thường chỉ làm nghẽn thêm. Trái lại, nên chầm chậm một chút nhưng tôn trọng trật tự trước sau. Khéo hơn nữa là tìm cách giải tỏa lượng lưu thông trước khi mọi người ùa nhau vào nơi đang đào ụ!
Muốn phòng bệnh tim mạch mà chỉ trông mong vào viên thuốc khi nước đã đến chân, chỉ dựa vào thầy thuốc chuyên khoa thì sớm muộn chỉ còn nước cầu xin lúc lên xe cấp cứu đừng vào giờ cao điểm. Có tậu thêm máy siêu âm đời mới, có xây thêm chục phòng mổ thông tim vẫn chỉ là giải pháp chữa cháy cầm canh.
Ngày nào còn thiếu tri thức phòng bệnh của người chưa bệnh, ngày đó bệnh viện tim chắc chắn còn quá tải. Đáng tiếc, thậm chí đáng buồn, vì giải pháp rất gần trong tầm tay.
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG - TTO
0 comments:
Ý kiến từ bạn:
Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.