Điều chỉnh nhịp nhanh xoang


Em cháu năm nay 14 tuổi, cao 1,65m, nặng 52kg, có chơi thể thao nhưng không thường xuyên. Khi đi bắt mạch thì bác sĩ nói tim đập nhanh, huyết áp 101/57, em cháu ăn tốt, ngủ nhiều, thức khuya khá thường xuyên, ngủ dậy muộn vào hôm sau. Như vậy em cháu bị vấn đề gì? Phải chữa trị ra sao, cần phải kiêng những việc gì? (Bạn đọc)

Cháu bị chứng tim đập nhanh (120-130 nhịp/phút), huyết áp bình thường (120). Nhiều khi cháu không ngủ được vì nghe tim đập rất mạnh, như đánh trống, kèm theo là khó thở, nhiều khi nửa đêm tỉnh giấc vì không thở được.

Cháu hay bị buồn nôn, tay chân tê mỏi, dễ choáng ngất. Cảm giác thường xuyên bị tức ngực, như có vật nặng đè lên ngực. Tình trạng này thường xảy ra nhất vào lúc ngủ, lúc học bài. Vậy cháu bị bệnh gì? Điều trị như thế nào? (Bạn đọc)

- Tư vấn của phòng mạch online:

Nhịp nhanh xoang là gì?


Ở người trưởng thành bình thường, nhịp tim bình thường khi “nhịp xoang đều có tần số từ 60 - 100 lần/phút khi nghỉ ngơi”. Gọi là nhịp nhanh xoang khi kết quả điện tâm đồ là nhịp xoang với tần số > 100l/p. Nhịp nhanh xoang là loại loạn nhịp thường gặp, nguyên nhân có thể do sinh lý hay bệnh lý.

Chúng ta có thể tạm tính nhịp tim bằng cách đếm mạch ở vùng cổ tay, đếm số lần mạch nảy lên trong 1 phút bằng cảm nhận của đầu ngón tay. Số nhịp đếm được trong một phút được gọi là mạch với tần số bao nhiêu nhịp/phút. Khi mạch > 100 lần/phút sẽ được gọi là loạn nhịp nhanh.

Nguyên nhân của nhịp nhanh xoang

Nhịp nhanh xoang là do nút xoang (Nút tạo nhịp của tim - xem bài Rối loạn nhịp tim) bị kích thích. Các nguyên nhân kích thích nút xoang là do sinh lý, do các yếu tố kích thích, do tình trạng bệnh lý tại tim, bệnh lý ngoài tim.

Khi hoạt động thể lực

Căng thẳng tâm lý: lo âu, phấn khích (vui mừng) quá mức.

Tuổi nhỏ: nhỏ tuổi nhịp nhanh hơn người lớn.

Giới: nữ nhịp nhanh hơn nam khoảng 5 nhịp ở cùng lứa tuổi.

Phụ nữ mang thai

Do thuốc và các yếu tố kích thích:

Thời tiết nóng

Rượu, thuốc lá, cafein, trà.

Thuốc: corticoid (prednisolone, dexamethasone…), thuốc điều trị hen phế quản (theophyline, salbutamol…) thuốc kháng viêm, thuốc hạ áp, các thuốc điều trị lọan nhịp tim...

Bệnh lý ngoài tim:

Sốt cao, nhiễm trùng

Đau

Thiếu máu, thiếu thể tích tuần hoàn (tiêu chảy mất nhiều nước...)

Cường giáp

Hạ huyết áp

Các rối loạn chất điện giải: kali, magne...

Bệnh lý đường hô hấp, thần kinh, nội tiết, chuyển hóa...

Do bệnh lý tại tim như suy tim, chèn ép tim; bệnh tim thiếu máu cục bộ; bệnh van tim; bệnh tim bẩm sinh...

Triệu chứng của nhịp nhanh: hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, đau ngực, run tay, hoa mắt, choáng…

Chẩn đoán nhịp nhanh xoang: rất dễ dàng dựa vào đếm nhịp tim và điện tâm đồ. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là chẩn đoán và điều trị nguyên nhân. Vì vậy trong một số trường hợp bệnh lý cụ thể, cần phải khám bệnh tại bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi có triệu chứng sau:

- Hồi hộp nhiều và thường xuyên, khó thở, đau ngực, hoa mắt, choáng...

Điều trị nhịp nhanh xoang: điều trị tùy theo từng nguyên nhân.

Nếu nhịp nhanh do sinh lý: đây là phản ứng của cơ thể với mục đích đảm bảo nhu cầu oxy của các tế bào. Không cần thiết điều trị.

Nhịp nhanh xoang do thuốc và các chất kích thích: không sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cafein, trà. Trao đổi với bác sĩ điều trị về thuốc đang sử dụng. Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích với tác dụng phụ của thuốc và quyết định nên ngưng thuốc, thay đổi, giảm liều hay tiếp tục thuốc đang sử dụng.

Do các nguyên nhân bệnh lý ngoài tim và tại tim: điều trị ổn định nguyên nhân sẽ giúp nhịp tim chậm lại.

Sử dụng thuốc để làm chậm nhịp tim: Khi quyết định sử dụng thuốc làm chậm nhịp tim, bác sĩ dựa vào tình trạng bệnh lý cụ thể của từng bệnh nhân. Không được tự ý sử dụng thuốc làm chậm nhịp tim.

Sinh hoạt như thế nào khi có nhịp xoang nhanh?

Tập thể dục điều độ: ít nhất 30 phút/ngày

Ăn nhiều rau và đủ các chất dinh dưỡng như vitamin, điện giải (kali, magne).

Duy trì cân nặng hợp lý

Tâm lý: nên lạc quan, tránh căng thẳng, lo lắng

Không sử dụng các chất kích thích: rượu, thuốc lá, cafein, trà

Không nên tự ý sử dụng các thuốc “cãm”, kháng viêm

Trả lời trường hợp 1:

Với tuổi của em cháu, là giai đoạn tuổi dậy thì, nhịp tim của các em sẽ cao hơn nhịp tim của người trưởng thành. Cháu không biết nhịp cụ thể là bao nhiêu lần/phút, vậy cháu có thể tự đếm nhịp tim cho em và biết chính xác nhịp tim của em mình khi nghỉ ngơi là bao nhiêu lần trong 1 phút.

Em cháu vẫn sinh hoạt bình thường, đang ở lứa tuổi dậy thì và không có triệu chứng bất thường của bệnh lý, vì vậy có thể em cháu có nhịp nhanh xoang do sinh lý. Cháu và em không nên lo lắng quá mức về tình trạng loạn nhịp này và giữ tinh thần luôn lạc quan.

Trả lời trường hợp 2:

Với tuổi của cháu, nhịp tim khi nghỉ ngơi bình thường là 60-100 l/p. Với các triệu chứng cháu đã mô tả cùng với nhịp tim 120-130 l/p, tôi đề nghị cháu nên khám bệnh cụ thể với bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Bác sĩ sẽ xác định rõ ràng tình trạng bệnh lý và nguyên nhân để điều trị cho cháu.

BS NGÔ QUANG THI - TTO

Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.