Ai dễ đột tử khi đi máy bay?


Tin một hành khách chết đột ngột trên chuyến bay từ Đà Nẵng đi Hà Nội đêm 7.8 đã làm nhiều người cảm thấy lo lắng. Đây là sự cố hi hữu hay là tai nạn có thể đoán trước với những người đang có sẵn một số bệnh trong người?

Có thể bị bệnh tim mạch mà không biết

Để an toàn trên chuyến bay, hành khách nên đi khám sức khoẻ tổng quát trước khi lên máy bay (ảnh chỉ mang tính minh hoạ). Ảnh: Lê Quang Nhật

Theo thông tin ban đầu, khi máy bay đang chuẩn bị khởi động để cất cánh thì một tiếp viên hàng không của Việt Nam Airlines bất ngờ phát hiện hành khách Lê Quốc Hưng (50 tuổi), chủ một doanh nghiệp ở Hà Nội nằm bất động trên ghế. Ngay lập tức nhân viên này đã báo lên cơ trưởng cho máy bay quay lại để đưa hành khách đi cấp cứu. Một nhóm nhân viên y tế được huy động lên máy bay. Tuy nhiên khi họ tiếp cận được với hành khách thì ông này đã chết. Đến sáng 8.8, sau khi nhận được biên bản vụ việc, công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) đã yêu cầu khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết nhưng gia đình ông Hưng không đồng ý. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu, rất có thể ông Hưng có tiền sử bệnh tim hoặc cao huyết áp và do lên cơn đột ngột nên dẫn đến đột tử.

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về khía cạnh y khoa liên quan đến tai nạn đáng tiếc này, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, tổng thư ký hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM cũng nhận định: “Có thể hành khách này bị các bệnh tiềm ẩn về tim mạch mà không biết. Nạn nhân là một doanh nhân, có thể do một chuyến đi xa công tác phải lo nghĩ nhiều dẫn đến căng thẳng, lo âu… dẫn đến co thắt động mạch vành gây nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên không phải chỉ doanh nhân, người bình thường có dấu hiệu viêm cơ tim, trong chuyến đi xa cũng có thể lo lắng, stress, dễ bị nặng thêm và dẫn đến đột tử”.

Theo BS Hoài Nam, có khá nhiều nguyên nhân gây ra đột tử như: nhồi máu phổi, thuyên tắc động mạch phổi, nhồi máu cơ tim cấp, vỡ các mạch máu lớn, tai biến mạch máu não nặng với tổn thương lan toả trên diện rộng… Trong đó, nguyên nhân chiếm hàng đầu vẫn là các bệnh về tim mạch. Thực tế điều trị đã ghi nhận đột tử hay gặp ở các trường hợp bị viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, tắc động mạch phổi. Những trường hợp mắc các bệnh lý khác như hẹp van hai lá cũng dễ gây khó thở, dẫn đến đột tử. Ở những bệnh nhân bị thuyên tắc động mạch phổi, nguy cơ đột tử do bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu trước cũng khá cao. “Một số trường hợp do ứ máu, dẫn tới tràn dịch màng phổi, màng bụng cũng sẽ cản trở hoạt động của phổi, của cơ hoành, gây khó thở và đột tử”, BS Hoài Nam nói. Một số nguyên nhân về tim mạch khác cũng thường gặp ở những nạn nhân đột tử như: bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim dãn nở vô căn, bệnh lý van tim, các rối loạn nhịp như: ngoại tâm thu, hội chứng Wolf-Parkinison-White, các rối loạn nhịp chậm… Các loạn nhịp do sử dụng tân dược cũng có thể gây đột tử.

Bác sĩ Hoài Nam cho biết, đàn ông trong giới trung niên Việt Nam (độ tuổi 40 trở lên) thường hay chủ quan ít đi khám sức khoẻ tổng quát định kỳ. Những bệnh nhân có tiền sử phù chân (thuyên tắc tĩnh mạch sâu), bệnh nhân có bệnh lý tim mạch (nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim…) nên thận trọng khi lên máy bay đi xa. Ngoài ra, những bệnh nhân đang trong tình trạng xúc động thái quá (buồn nhiều, vui nhiều), vừa chia tay với gia đình, những bệnh nhân sợ độ cao (không dám đi máy bay) cũng cần thận trọng khi đi xa bằng máy bay. BS Hoài Nam khuyến cáo, tốt nhất là trước khi lên máy bay đi xa, nên đi khám sức khoẻ tổng quát để phát hiện và điều trị kịp thời, khi nào ổn định sức khoẻ mới đi. Đặc biệt, mỗi người cần đi khám sức khoẻ tổng quát, định kỳ sáu tháng/lần.

SGTT

Bookmark and Share

0 comments:

Ý kiến từ bạn:

Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.


  Chúc bạn một ngày làm việc vui vẻ !.  

Bản quyền © 2009 thuộc về Benhtimmach.com | Quảng cáo - Liên hệ Mr.Cường: suckhoegd@gmail.com. Điện thoại: 0944.462.569. Thông tin chỉ có tính tham khảo. Người xem không được dựa vào để tự chẩn đoán cho mình. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ.