PV: Xin GS cho biết về tình hình bệnh THA ở nước ta hiện nay. Đối với bệnh nhân THA thì hậu quả của việc không tuân thủ điều trị (uống thuốc thất thường) sẽ như thế nào?
GS. Nguyễn Lân Việt: Tại Việt Nam, tần suất THA ở người lớn ngày càng gia tăng. Trong những năm 1960, tỷ lệ THA là khoảng 1%, năm 1992 là 11,2%, năm 2001 là 16,3% và năm 2005 là 18,3%. Theo một điều tra gần đây nhất (2008) của Viện Tim mạch Việt Nam tiến hành ở người lớn ( từ 25 tuổi trở lên) trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ THA đã tăng lên đến 25,1%. Với dân số hiện nay của Việt Nam là khoảng 88 triệu dân thì ước tính sẽ có khoảng 11 triệu người bị THA.
Trong số những người bị THA có tới 52% (khoảng 5,7 triệu người) không biết mình có bị THA; 30% (khoảng 1,6 triệu người) biết bị THA nhưng không có một biện pháp điều trị nào; và 64% (khoảng 2,4 triệu người) THA đã được điều trị nhưng vẫn chưa đưa được huyết áp về số huyết áp mục tiêu. Như vậy hiện nay Việt Nam có khoảng 9,7 triệu người dân hoặc là không biết bị THA, hoặc là THA nhưng không được điều trị, hoặc có điều trị nhưng chưa đưa được huyết áp về mức bình thường.
THA nếu không được điều trị đúng và đầy đủ sẽ có rất nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí có thể gây tử vong hoặc để lại các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một số biến chứng chính của THA như: suy tim, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, xuất huyết não, suy thận, giảm thị lực, mù lòa hoặc phình tách động mạch chủ... Theo một điều tra của Viện Tim mạch tại 4 tỉnh phía Bắc nước ta năm 2003 cho thấy, THA là nguyên nhân hàng đầu (10%) gây suy tim tại cộng đồng ở người lớn Việt Nam. 46% bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được điều trị tại Viện Tim mạch (2005) có liên quan với THA và hơn 1/3 bệnh nhân tai biến mạch máu não điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai (2003) có nguyên nhân là THA.
PV: Được biết Chương trình quốc gia về phòng chống THA đã được triển khai xuống cộng đồng. Vậy người bệnh được phát hiện, theo dõi và quản lý như thế nào
GS. Nguyễn Lân Việt: Tháng 12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định đưa dự án phòng chống THA thành Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay dự án bước đầu đã được triển khai tại 16 tỉnh/thành phố trong cả nước. Dự kiến đến năm 2011 sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc ở tất cả 63 tỉnh/thành phố. Tại mỗi tỉnh/thành phố sẽ có Ban Chủ nhiệm dự án trực thuộc Sở Y tế, có các đơn vị phòng chống THA tại các bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố hoặc bệnh viện đa khoa quận/huyện. Đơn vị trực tiếp thực hiện các hoạt động sàng lọc, điều trị và theo dõi những người dân bị THA là các trạm y tế xã/phường.
Một trong các hoạt động chính và quan trọng của chương trình là khám sàng lọc phát hiện sớm THA tại cộng đồng. Công tác khám sàng lọc này sẽ được triển khai tại các xã/phường tham gia trong dự án cho người dân từ 25 tuổi trở lên. Tại các đợt khám sàng lọc, người dân được phỏng vấn theo phiếu khám sàng lọc, điều tra về tiền sử bệnh tim mạch và các yếu tố nguy cơ tim mạch, được đo chiều cao, cân nặng để tính chỉ số khối cơ thể (BMI: Body Mass Index), được đo huyết áp, nhịp tim, được khám các biến chứng của THA (nếu có). Dựa vào phiếu sàng lọc, người dân sẽ được xác định có bị THA hay không, được lượng giá mức độ nguy cơ bị bệnh tim mạch, đánh giá các biến chứng của THA (nếu có) và xác định huyết áp mục tiêu cần đạt được khi bị THA . Hiện nay dự án đang làm việc với Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế để đưa hoạt động khám sàng lọc THA tại cộng đồng là một dịch vụ khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán.
Một hoạt động quan trọng khác của dự án là theo dõi, điều trị và quản lý người dân bị THA tại cộng đồng. Phần lớn người dân bị THA phát hiện qua khám sàng lọc hoặc đã được chẩn đoán trước đó sẽ được theo dõi, điều trị và quản lý tại trạm y tế xã/phường. Mỗi bệnh nhân sẽ có sổ khám chữa bệnh riêng, được khám và tư vấn và phát thuốc hạ huyết áp (nếu cần) định kỳ hằng tháng tại trạm y tế xã/phường.
Nhân viên y tế tại các trạm y tế sẽ được tập huấn về các biện pháp theo dõi, điều trị và quản lý bệnh nhân THA. Các trạm y tế sẽ được cung cấp các trang thiết bị, sổ sách khám chữa bệnh, các tài liệu tuyên truyền, thuốc hạ huyết áp... cho công tác quản lý THA như máy đo huyết áp, ống nghe, máy điện tim đồ, sổ khám chữa bệnh, sổ quản lý bệnh nhân, tờ rơi, áp-phích, pa-nô tuyên truyền, các sách và tài liệu chuyên môn về THA cho nhân viên y tế, cộng tác viên y tế...
Đối với những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị hoặc có biến chứng hoặc có tình trạng bệnh vượt quá khả năng quản lý tại tuyến xã/phường sẽ được chuyển đến các đơn vị phòng chống THA ở cấp cao hơn như tuyến quận/huyện hoặc tỉnh/thành phố hoặc Trung ương. Những bệnh nhân này sau khi đã được điều trị ổn định và kiểm soát được huyết áp và các yếu tố nguy cơ sẽ được gửi về trạm y tế xã/phường để tiếp tục theo dõi và quản lý bệnh lâu dài.
Dự án cũng đang làm việc với Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế để đưa hoạt động khám và cấp phát thuốc bảo hiểm về THA được thực hiện tại các trạm y tế xã/phường sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán theo đúng quy định hiện hành.
PV:Đối với bệnh nhân THA ngoài việc dùng thuốc, việc điều chỉnh lối sống hằng ngày là rất quan trọng. GS có lời khuyên gì cho những bệnh nhân này?
GS. Nguyễn Lân Việt: Khi đã được chẩn đoán bị THA, người dân cần được theo dõi, điều trị đúng, đầy đủ và liên tục.
Nguyên tắc chung:
- THA là bệnh mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng và đầy đủ hằng ngày, điều trị lâu dài; mục tiêu điều trị là đạt "huyết áp mục tiêu" và giảm tối đa "nguy cơ tim mạch"; "huyết áp mục tiêu" cần đạt là dưới 140/90mmHg và thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được. Nếu nguy cơ tim mạch từ cao đến rất cao thì huyết áp mục tiêu cần đạt là dưới 130/80mmHg. Khi điều trị đã đạt huyết áp mục tiêu, cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài kèm theo việc theo dõi chặt chẽ, định kỳ để điều chỉnh kịp thời. Điều trị cần hết sức tích cực ở những bệnh nhân đã có tổn thương cơ quan đích. Không nên hạ huyết áp quá nhanh để tránh biến chứng thiếu máu ở các cơ quan đích, trừ tình huống cấp cứu.
Các biện pháp tích cực thay đổi lối sống trong điều trị THA: các biện pháp này được áp dụng cho mọi bệnh nhân để ngăn ngừa tiến triển và giảm được số đo huyết áp, giảm số thuốc cần dùng. Đó là:
- Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng: Giảm mặn (dưới 6g muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày), tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no.
- Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng với BMI từ 18,5 đến 23kg/m2.
- Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
- Hạn chế uống rượu, bia: số lượng ít hơn 3 cốc/ngày (nam), ít hơn 2 cốc/ngày (nữ) và tổng cộng ít hơn 14 cốc/tuần (nam), ít hơn 9 cốc/tuần (nữ): cốc tiêu chuẩn tương đương với 340ml bia hoặc 140ml rượu vang, hoặc 40ml rượu nặng.
- Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh bị lạnh đột ngột.
SkĐs
0 comments:
Ý kiến từ bạn:
Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.