Cấy phá máy phá rung hai buồng được coi là “cuộc cách mạng” trong điều trị loạn nhịp tâm thất nguy hiểm đối với bệnh nhân suy tim nặng.
Tiến sĩ Phạm Nguyên Sơn, Trưởng khoa Nội tim mạch, Viện Tim mạch, thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh nhân suy tim nặng có rối loạn nhịp tâm thất phức tạp, nguy cơ đột tử cao gấp 5 lần, có thể tử vong trong vòng 3 - 5 phút. Tác dụng của phương pháp cấy phá máy rung là phát ra dòng điện tự đánh sốc tim và khử loạn nhịp tim khi bệnh nhân lên cơn loạn nhịp nguy hiểm.
Khó cứu sống bệnh nhân rối loạn nhịp thất
Lần đầu tiên, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca cấy máy phá rung cho bệnh nhân T. (Hà Nội). Bệnh nhân nhập viện do bị ngất liên tục, nhất là khi gắng sức, chơi thể thao..., đã khám tại nhiều nơi nhưng không phát hiện bệnh. Ở khoa Nội tim mạch, sau khi làm các kỹ thuật chẩn đoán tim chuyên biệt, các bác sĩ phát hiện được cơn xoắn đỉnh và rung thất, có nguy cơ tử vong nếu xuất hiện cơn rung thất. Ngay lập tức, anh T. được chỉ định cấy máy phá rung tự động hai buồng trong cơ thể để dự phòng rung tâm thất dẫn đến đột tử. Sau khi cấy máy, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không có các cơn ngất.
Tiến sĩ Phạm Nguyên Sơn cho biết rối loạn nhịp nhanh tâm thất là một bệnh lý thường gặp của tim mạch gây triệu chứng xỉu, ngất, hồi hộp, khó thở. Đặc biệt nguy cơ đột quỵ, ứ máu cao gấp 5 lần so với những người không bị rung. Nguyên nhân là do một nhóm tế bào tại tâm thất phát ra xung động kích thích tâm thất co bóp không đều với tâm nhĩ. Nhịp nhanh tâm thất thường xảy ra ở bệnh nhân tim thiếu máu cục bộ. Nếu không điều trị kịp bệnh nhân dễ xuất hiện rung tâm thất dẫn tới nhồi máu cơ tim, hội chứng Brugada... gây xoắn đỉnh, đột tử.
Cấy máy phá rung hai buồng cho bệnh nhân suy tim. Ảnh: Tường Linh.
Theo tiến sĩ Sơn, khi bị lên cơn rung tâm thất, hầu hết bệnh nhân đều tử vong nhanh. Bởi khi rung thất xuất hiện, máu sẽ không lưu thông và bệnh nhân mất não trong vòng 3 - 5 phút. Các trường hợp may mắn sống sót là khi bệnh nhân xuất hiện cơn rung tâm thất đúng lúc đang trong phòng cấp cứu của khoa tim mạch, có máy sốc điện và bác sĩ bên cạnh, xử ký kịp thời.
Máy tự sốc điện, chống đột tử
Tiến sĩ Sơn cho biết, cấy máy phá rung tự động là phương pháp được chỉ định để dự phòng đột tử ở những bệnh nhân rối loạn nhịp tâm thất phức tạp và bệnh nhân suy tim mức độ nặng. Tại Mỹ, hằng năm có hơn 100.000 bệnh nhân được cấy loại máy này. Tuy nhiên, tại Việt Nam việc triển khai kỹ thuật còn hạn chế do giá thành máy cao, đặc biệt là máy hai buồng.
Thực tế, cấy máy phá rung tim là “cuộc cách mạng” trong điều trị loạn nhịp tâm thất nguy hiểm. Máy được cấy dưới cơ ngực của bệnh nhân cùng với các điện cực vào đường tĩnh mạch. Nó phát ra dòng điện tự động phá rung tim đưa nhịp tim trở về nhịp xoang bình thường khi bệnh nhân lên cơn loạn nhịp nguy hiểm. Ngoài ra, máy còn có chức năng tạo nhịp tim và phát nhịp kích thích cho tim hoạt động. Thời gian hoạt động phụ thuộc vào ngưỡng đánh sốc và số lần sốc phá rung.
Vì vậy, muốn duy trì tuổi thọ cho máy, bệnh nhân cần được điều trị bệnh nền để hạn chế tối đa bị loạn nhịp tâm thất nguy hiểm. Do mỗi bệnh nhân có một bệnh nền khác nhau nên số lần loạn nhịp cũng khác nhau. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, mỗi máy có tuổi thọ dài nhất là 10 năm với hiệu quả đến 98%. Thời gian thực hiện phẫu thuật khoảng một giờ và sau một tuần, bệnh nhân có thể xuất viện.
Datviet
0 comments:
Ý kiến từ bạn:
Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.