Khoảng 1.500 thầy thuốc chuyên ngành tim mạch trong cả nước và nhiều đại biểu quốc tế đến từ: Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước ASEAN, Liên đoàn Tim mạch Châu Âu, Liên đoàn Tim mạch ASEAN… đã chia sẻ những tiến bộ trong khám, điều trị cũng như dự phòng các bệnh về tim mạch: Bệnh tim mạch ở phụ nữ; bệnh động mạch ngoại vi; phòng ngừa bệnh tim mạch; lâm sàng tim mạch; tim mạch can thiệp; đánh giá chức năng tim và suy tim; rối loạn nhịp tim; tăng huyết áp; tim mạch nhi khoa và tim bẩm sinh; bệnh động mạch vành; bệnh van tim…
Bên cạnh đó, Đại hội cũng sẽ trao tặng giải thưởng “Nhà nghiên cứu trẻ” cho các thầy thuốc trẻ có nghiên cứu khoa học tiêu biểu của Hội Tim mạch Việt Nam.
Ngày nay, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu. Bên cạnh đó, chi phí cho chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hằng năm có đến 17,2 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số người bệnh tích lũy ngày một nhiều.
Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội cũng đặt ra cho chúng ta những thách thức về nguy cơ bệnh lý tim mạch tăng cao và gánh nặng về sức khỏe cũng như chi phí tăng vọt trong việc điều trị các bệnh lý tim mạch. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển với mô hình bệnh tim mạch phức tạp với các bệnh tim mạch không lây nhiễm (như bệnh mạch vành, tăng huyết áp…) gia tăng nhanh chóng.
Vài thập kỷ gần đây, xu hướng chung có sự gia tăng của tăng huyết áp và các bệnh liên quan như bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên, và tiểu đường. Trong khi đó, các bệnh tim “truyền thống” là thấp tim và các bệnh van tim do thấp, tuy có giảm bớt, nhưng vẫn còn nhiều ở những khu vực đông dân cư, thu nhập thấp.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu như những năm 1970 chỉ có khoảng 2% người lớn bị tăng huyết áp thì những năm 1990 là 11% và những năm đầu 2001 là 16%. Những nghiên cứu gần đây trong giai đoạn 2003 – 2008 có tới 25,1% người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp. Đã tới lúc chúng ta phải chặn xu hướng phát triển và làm giảm gánh nặng của bệnh này lên xã hội với những biện pháp thích hợp nhất.
Nhân dịp này, cũng diễn ra buổi đi bộ đồng hành “Vì sức khỏe tim mạch phụ nữ” thu hút sự tham gia của 1.000 đoàn viên thanh niên và học sinh Nha Trang cùng nhiều thầy thuốc, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vự tim mạch trong toàn quốc. Đặc biệt Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền- đại sứ của chương trình sẽ phát động chương trình hành động vì sức khỏe phụ nữ Việt Nam với nhiều thông điệp nhằm cảnh báo sự nguy hiểm của bệnh lý tim mạch ở phụ nữ và cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của cộng đồng bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ.
Theo một điều tra dịch tễ học về tăng huyết áp tám tỉnh thành trong toàn quốc thì tỷ lệ tăng huyết áp ở nam và nữ là 39,3% và 60,7%. Theo thống kê từ năm 2006 – 2010 của Bệnh viện Tim TP Hồ Chí Minh trong tổng số người bệnh được can thiệp động mạch vành thì nam giới nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên theo nghiên cứu về nhồi máu cơ tim ở phụ nữ tại Viện Tim mạch thấy rằng: trong trường hợp nhồi máu cơ tim thì tỷ lệ người bệnh có sốc tim ở nữ giới cao hơn ở nam giới (13,3% và 10,7%). Chỉ số tiên lượng nặng ở nữ giới cũng cao hơn ở nam giới.
VOV
0 comments:
Ý kiến từ bạn:
Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.