Kỹ thuật can thiệp nội mạch được bắt đầu thực hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước và nó đã phát triển rất nhanh ở các nước có nền y học tiên tiến. Kỹ thuật can thiệp nội mạch bắt đầu gia nhập vào Việt nam khoảng gần 10 năm nay. Tuy nhiên, nhờ có sự đầu tư của khoa học và công nghệ, chúng ta đã làm chủ được nhiều quy trình kỹ thuật, đưa trình độ khoa học của các nhà y học Việt Nam trong lĩnh vực này ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch ở Bệnh viện Việt Đức
Can thiệp nội mạch là một kỹ thuật cao, sử dụng các dụng cụ chuyên dụng luồn vào trong lòng mạch tới cơ quan đích để bơm thuốc, bít tắc hoặc làm giãn mạch máu để điều trị các bệnh tại các cơ quan này. Nhờ vậy, can thiệp nội mạch đã thay thế cho nhiều phẫu thuật mở, phức tạp trước đây. Can thiệp nội mạch là kỹ thuật ít xâm lấn vì vậy hậu phẫu nhẹ nhàng, bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhanh, thời gian nằm viện ngắn ngày. Nhiều kỹ thuật can thiệp nội mạch có kết quả rất tốt mà không có phẫu thuật truyền thống nào trước đây đạt được. Cho đến nay, nhờ ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch, nhiều bệnh ở các cơ quan tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, sinh dục đã được điều trị thành công.
Thành công đầu tiên trong lĩnh vực này ở nước ta có thể kể đến là nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch để điều trị một số bệnh tim mạch thông qua đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Nhà nước. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài, các quy trình kỹ thuật đã được chuyển giao cho nhiều cơ sở y tế trong cả nước. Đến nay, hầu hết các kỹ thuật can thiệp nội mạch để điều trị các bệnh tim mạch mà thế giới đang thực hiện (đặt stent điều trị hẹp động mạch vành, đặt dù bít lỗ thông liên thất, thông liên nhĩ, nong hẹp van hai lá v.v) đều được triển khai thành công ở nhiều trung tâm tim mạch trong cả nước như Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương Huế, Viện Tim mạch thành phố Hồ Chí Minh...
Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch để điều trị thành công cho hàng chục ngàn bệnh nhân mắc bệnh tim mạch trong cả nước. Riêng bệnh viện Bạch Mai trong 9 tháng năm 2010 đã có 4.607 ca can thiệp nội mạch, trong đó đặt sten động mạch vành là 1037, đóng ống động mạch 70, đóng lỗ thông liên thất 41, nong van hai lá 397 ca... Các nhà khoa học y học nước ta trong lĩnh vực này có rất nhiều kinh nghiệm và là một trong những nước có trình độ can thiệp tim mạch cao.
Nhiều chuyên gia ở các trung tâm tim mạch lớn trên thế giới như Pháp, Singapore, Malaysia, Nhật bản … khi đến Việt nam đều đánh giá cao trình độ kỹ thuật của các chuyên gia nước ta thuộc lĩnh vực này. Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã cử cán bộ sang Việt nam để học tập, trao đổi kinh nghiệm về can thiệp nội mạch. Tại viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2007 đến nay đã có 24 bác sỹ ở 7 nước đến học tập gồm: Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Indonesia và Banladest. Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cử cán bộ sang 7 nước để chuyển giao công nghệ cho bạn.
Ngoài ứng dụng trong điều trị các bệnh tim mạch, kỹ thuật can thiệp nội mạch còn được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý một số bệnh sọ não: chẩn đoán các dị dạng bất thường của động mạch não, u não, nguyên nhân tai biến mạch máu não... Đặc biệt ứng dụng điều trị các bệnh mạch thần kinh, trong đó điều trị các nguyên nhân hay gặp nhất gây tai biến mạch não có chảy máu màng não là phình mạch và dị dạng động tĩnh mạch cho kết quả rất tốt, đã cứu sống nhiều người bệnh trước đây không thể cứu được.
Chẳng hạn, trong điều trị ung thư gan, kỹ thuật can thiệp nội mạch làm tắc động mạch đến khối u đồng thời đưa hóa chất trực tiếp đến khối u để diệt tế bào ung thư là một phương pháp có hiệu quả điều trị ung thư gan khi không có khả năng cắt bỏ khối u. Đến nay, phương pháp này đã được ứng dụng khá rộng rãi ở các bệnh viện lớn trong cả nước với kết quả khá tốt, có nhiều bệnh nhân sống trên 5 năm. Hoặc kỹ thuật can thiệp nội mạch điều trị ho ra máu, trước đây, do điều kiện trang thiết bị chưa tốt, trình độ kỹ thuật của các chuyên gia còn hạn chế nên chỉ làm tắc đầu gần của động mạch phế quản, vì thế hiệu quả cầm máu không cao, dễ tái phát. Hiện nay, trình độ của các chuyên gia được nâng cao, cùng với sự đầu tư trang thiết bị hiện đại, sử dụng chất gây tắc vĩnh viễn PVA kết hợp với spongel gây tắc toàn bộ nhánh động mạch phế quản gây chảy máu, nhờ vậy việc cầm máu triệt để hơn, cứu sống bệnh nhân và còn có tác dụng điều trị lâu dài, ít tái phát. Kỹ thuật can thiệp nội mạch còn được ứng dụng rộng rãi trong điều trị u cơ tử cung; trong các chấn thương vỡ tạng đặc gây chẩy máu không tự cầm được như vỡ gan, lách, thận.
Gần đây, những kỹ thuật can thiệp nội mạch phức tạp hơn, mới thực hiện ở một số nước tiên tiến trên thế giới cũng đã bắt đầu được nghiên cứu và ứng dụng thành công ở trong nước thông qua đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước: “Nghiên cứu ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cộng đồng”, mã số KC10/06-10. Các kỹ thuật : Nút tĩnh mạch cửa (đối với bệnh nhân có khối u gan lớn không thể cắt bỏ có thể điều trị triệt để bệnh nhân có khối u gan lớn); nối thông hệ thống cửa - chủ trong gan. Mục đích của can thiệp là làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa để điều trị hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa có biến chứng chẩy máu do vỡ tĩnh mạch thực quản. Đây là một kỹ thuật nhẹ nhàng tránh một phẫu thuật nối mạch máu phức tạp, nặng nề. Song đây là một kỹ thuật khó và tinh tế, đòi hỏi người làm phải có nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật can thiệp nội mạch. Tuy vậy đến nay kỹ thuật này đã được thực hiện ở trong nước.
Can thiệp nội mạch là một kỹ thuật mới, hiện đại, là một thủ thuật ít xâm lấn, có nhiều ưu điểm so với các phẫu thuật truyền thống. Mặc dầu chúng ta đi sau thế giới 10- 20 năm, song nhờ có đầu tư của khoa học và công nghệ, sự đổi mới trong cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ, đến nay chúng ta đã theo kịp được các nước trên thế giới, trong đó có kỹ thuật ngang hàng với các nước tiên tiến. Sự tiến bộ của kỹ thuật can thiệp nội mạch đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhiều loại bệnh, tạo điều kiện cho người dân được tận hưởng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, đặc biệt đối với người nghèo không có điều kiện ra nước ngoài điều trị, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Điều này đã góp phần thực hiện chính sách công bằng trong chăm sóc sức khỏe; đồng thời cũng góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ y học trong nước để tiếp cận với trình độ y học thế giới.
Tiến sĩ : Dương Hùng
0 comments:
Ý kiến từ bạn:
Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.