Trong khi các bệnh truyền nhiễm đang từng bước được đẩy lùi thì tỉ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính... lại gia tăng đến mức báo động
Tại hội thảo “Hoạt động thể lực và lối sống trong phòng và điều trị bệnh không lây nhiễm” do Đại học Y Hà Nội và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức ngày 21-12 ở Hà Nội, các chuyên gia y tế đã cảnh báo về sự gia tăng chóng mặt của các bệnh không lây nhiễm.
Tỉ lệ tử vong cao
Theo thạc sĩ Lại Đức Trường, Văn phòng WHO tại VN, trong tổng số hơn 500.000 ca tử vong các loại được thống kê tại các cơ sở điều trị, có hơn 350.000 trường hợp tử vong vì các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đột qụy, phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường (tỉ lệ 70%)... Ông Trường cho biết thêm, thực tế số mắc và tử vong do các bệnh không lây nhiễm có thể cao hơn nhiều vì phần lớn đây là bệnh không phải điều trị tức thời.
Tại VN, bệnh không lây nhiễm chiếm hơn 60% ca tử vong tại các cơ sở y tế và tỉ lệ này cao gấp 4 lần so với bệnh lây nhiễm. “Điều tra trong cộng đồng năm 2006, cho thấy tỉ lệ tăng huyết áp chỉ là 16,3% ở người trưởng thành thì năm 2008, con số này vọt lên 27%.
Thậm chí ở TPHCM, tỉ lệ tăng huyết áp là 43%, Đồng Tháp: 37%...”- ông Trường cảnh báo. Một bệnh lý khác là đái tháo đường cũng đang gia tăng báo động.
Vận động thể lực sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm
Nếu như năm 2002 chỉ có khoảng 2,7% dân số mắc bệnh này thì 6 năm sau đã tăng lên gấp đôi ở mức 5,4%. Mỗi năm trên toàn quốc cũng có thêm khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới, trong đó khoảng 70.000-80.000 người tử vong do căn bệnh này.
GS-TS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Gavan (Úc), cho biết tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh không lây nhiễm ở VN không có sự khác biệt nhiều so với thế giới; nếu có chỉ là đối tượng mắc bệnh.
“Tại Úc, những người mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch, huyết áp... thường có thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp cận các thông tin y tế. Trong khi đó ở VN, người mắc bệnh thường là những người giàu có.
Quan tâm hơn đến vận động thể lực
Theo GS-TS Nguyễn Văn Tuấn, ở các nước phát triển, bác sĩ coi vận động thể lực như một “liều thuốc” trong đơn thuốc ngừa bệnh cho cộng đồng nhưng ở VN, vấn đề này chưa được quan tâm. Theo các nghiên cứu, cùng khẩu phần năng lượng như nhau, nhóm người ít vận động sẽ có nguy cơ bị béo phì và mắc một số bệnh không lây nhiễm khác cao hơn so với nhóm người vận động nhiều. Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở người lười vận động cao gấp 5 lần người vận động thường xuyên, và nếu đi bộ thường xuyên, nguy cơ gẫy cổ xương đùi giảm 2 lần so với nhóm lười vận động. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo thầy thuốc lâm sàng nên tư vấn cho bệnh nhân về hoạt động thể lực khoảng 30 phút mỗi ngày dựa trên tình trạng sức khỏe và lối sống của từng người.
Tại Hà Nội, TPHCM, tỉ lệ mắc đái tháo đường cao hơn nhiều so với thống kê chung (11% ở nam giới và 13% ở nữ giới). Tình trạng loãng xương cũng chiếm tới 20% ở phụ nữ tại hai TP này”- GS Tuấn cho biết.
“Thuốc” nào phòng bệnh?
Tại hội thảo, các chuyên gia y tế đều bày tỏ nỗi lo gánh nặng của bệnh không lây nhiễm ở các nước nghèo. Thạc sĩ Lại Đức Trường cho rằng đây là bệnh không thể chữa khỏi được, để lại nhiều biến chứng và là nguyên nhân dẫn đến vòng luẩn quẩn đói nghèo do bệnh tật.
Tuy nhiên, 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ, đái tháo đường và trên 40% các bệnh ung thư có thể được phòng ngừa thông qua việc ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn và không hút thuốc lá.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, lối sống ít vận động, xem tivi nhiều, làm việc thường xuyên với máy vi tính, lái xe hơi... và khẩu phần ăn dư thừa năng lượng sẽ dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Một nguyên nhân khác là tình trạng lạm dụng rượu bia và hút thuốc lá. Đây là căn nguyên của 1/3 số ca ung thư phổi, thanh quản, thực quản, miệng, vòm họng, dạ dày... và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp. Không những thế, lạm dụng rượu dễ dẫn đến rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc và hành vi.
PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cũng khuyến cáo dinh dưỡng hợp lý là chế độ ăn cần đủ, đa dạng, chủ yếu dựa vào các thức ăn có nguồn gốc thực vật, hạn chế ăn mặn và ăn nhiều rau quả tươi sẽ giảm nguy cơ đối với hầu hết các loại ung thư, bệnh tim mạch.
NLD
0 comments:
Ý kiến từ bạn:
Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.