Do tỷ lệ người dân mắc bệnh tăng huyết áp (tăng huyết áp) có xu hướng ngày một tăng nên từ năm 2009 - 2010, Viện Tim mạch quốc gia đã được Bộ Y tế giao chủ trì triển khai Dự án Phòng, chống bệnh tăng huyết áp. Mục đích nhằm phát hiện, điều trị đúng và nâng cao nhận thức của nhân dân về căn bệnh này và ngày càng có nhiều người dân được hưởng lợi từ dự án trên.
Sau 2 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả khá khả quan. Đó là đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe về phòng, chống tăng huyết áp trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, báo giấy, phát thanh, trang web...) cho người dân tại 63 tỉnh/thành phố. Tăng cường các trang thiết bị y tế. Hoàn thiện các tài liệu cho hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ y tế về truyền thông, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân tăng huyết áp...
Cụ thể, đã tổ chức 18 lớp tập huấn đào tạo tại 3 miền (Bắc, Trung, Nam) với 1.450 lượt học viên tuyến tỉnh/thành phố, sau đó các học viên này sẽ là hạt nhân tiếp tục đào tạo cho y, bác sĩ các tuyến dưới. Khám sàng lọc và quản lý tăng huyết áp tại 16 tỉnh/thành, phát hiện 71.972 người tăng huyết áp, trong đó số người mới phát hiện tăng huyết áp là 35.860 người (tương đương 49,8%). Hiện tại, dự án đang giám sát và điều trị cho 56.879/71.972 người (79%)...
Ngày càng có nhiều người mắc bệnh tăng huyết áp.
Bên cạnh những kết quả đó, Dự án cũng còn một số khó khăn do đây là một dự án mới nên việc triển khai phải làm từng bước, từ việc xây dựng chương trình giảng dạy, kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cán bộ các địa phương, đến lo tài liệu truyền thông...
Đặc biệt, do ngân sách còn hạn chế nên phải lên kế hoạch hoạt động cho từng năm. Bên cạnh đó, hiện nay dự án đang điều trị miễn phí cho những bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng về lâu dài kinh phí của dự án không cho phép duy trì hoạt động này, người dân cũng có thể sẽ ỷ lại và không mua thẻ BHYT nữa. Vì vậy, tới đây dự án sẽ thống nhất lại trách nhiệm của mạng lưới y tế địa phương đối với việc điều trị tiếp cho những bệnh nhân tăng huyết áp sau khi khám sàng lọc. Ngoài ra, việc đưa huyết áp của người bệnh về huyết áp mục tiêu (HA < 140/90 mmHg) cũng là một nhiệm vụ rất khó, phụ thuộc vào sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân, tình trạng bệnh của họ...
Sau 2 năm triển khai, hiệu quả của dự án rất khả quan. Sự phản hồi bước đầu của người dân khi tham gia dự án là rất tốt. Hoạt động phòng, chống tăng huyết áp sẽ giúp họ tránh được các yếu tố nguy cơ, giúp người bệnh giảm được các biến chứng của tăng huyết áp như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa...
Để người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin về phòng, chống tăng huyết áp, dự án đã cho in nhiều panô, tờ rơi, áp phích, để chuyển về 63 tỉnh/thành. Theo kinh nghiệm các nước đã triển khai dự án tương tự thì tài liệu tốt, truyền thông có chất lượng, sẽ giúp người dân hiểu, phối hợp với ngành y tế trong việc phòng, chống tăng huyết áp chặt chẽ và hiệu quả của dự án sẽ tốt hơn.
Dự kiến trong năm 2011, hoạt động truyền thông và đào tạo của dự án sẽ tiếp tục triển khai trên toàn quốc. Hoạt động khám sàng lọc và quản lý người tăng huyết áp tiếp tục duy trì tại 16 tỉnh/thành (có thể mở rộng tùy thuộc vào ngân sách nhà nước).
Phấn đấu điều trị đúng phác đồ mà Bộ Y tế đã quy định cho tối thiểu 50% số người phát hiện tăng huyết áp (thuộc dự án). Đồng thời, nâng cao kiến thức về dự phòng, chẩn đoán, điều trị, quản lý tăng huyết áp cho 1.500 lượt bác sĩ tại các tỉnh/thành...
0 comments:
Ý kiến từ bạn:
Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.