Phình tách động mạch chủ là căn bệnh rất nguy hiểm để lại biến chứng nặng, thậm chí có thể gây đột tử. Điều may mắn là mới đây, các bác sĩ của Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, đã triển khai thành công kỹ thuật đặt Stent Graft động mạch chủ, tạo thêm cơ hội sống cho những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh này.
Đặt Stent Graft thành công cho 6 bệnh nhân
“Mới đây, Viện Tim mạch Việt Nam đã tiến hành đặt Stent Graft vào động mạch chủ (ĐMC) cho 6 bệnh nhân bị phình tách thành ĐMC. Kết quả bước đầu rất khả quan”, GS. TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam khẳng định.
Kỹ thuật chụp can thiệp động mạch vành qua da được ứng dụng hiệu quả tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Trước đây, khi có chẩn đoán phình tách thành ĐMC nặng thì các chuyên gia tim mạch ngay lập tức phải xem xét tới phương pháp phẫu thuật (thay đoạn mạch bị phình tách bằng một mạch nhân tạo). Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong khi áp dụng phương pháp này còn khá cao và có thể có khá nhiều biến chứng như chảy máu, nhiễm khuẩn, tổn thương thận và ruột...
Nhưng với kỹ thuật đặt Stent Graft vào ĐMC, các BS Viện Tim mạch Việt Nam đã tạo cơ hội sống cho những bệnh nhân bị phình tách thành ĐMC mà không thể tiến hành phẫu thuật được. “Các bác sĩ sẽ đưa Stent Graft (một giá đỡ được làm bằng kim loại đặc biệt) qua ống thông trong lòng mạch đi đến vị trí thành ĐMC bị yếu (nơi bị phình tách). Tại đây, Stent Graft sẽ như một hàng rào vững chắc bảo vệ thành ĐMC, giảm nguy cơ bị vỡ ĐMC”, GS Nguyễn Lân Việt giải thích.
So với phương pháp mổ truyền thống, kỹ thuật đặt Stent Graft vào ĐMC sẽ giúp giảm biến chứng và bệnh nhân chỉ phải nằm viện trong thời gian ngắn. Đồng thời, kỹ thuật này cũng mở ra triển vọng mới để điều trị cho các bệnh nhân bị phình tách ĐMC ngay ở trong nước với chi phí thấp hơn nhiều (khoảng 150 - 400 triệu đồng) so với ra nước ngoài (khoảng 30.000 - 50.000 USD, chưa kể chi phí đi lại của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân). Mặt khác, đây là một bệnh lý rất nặng, nguy cơ tử vong sẽ rất cao nếu phải di chuyển xa ra nước ngoài. Do đó, nếu chúng ta triển khai được kỹ thuật này ngay tại trong nước thì có thể cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh lý này.
Xu hướng gia tăng bệnh nhân phình tách ĐMC
“Hiện nay, hầu như tuần nào chúng tôi cũng tiếp nhận những bệnh nhân mắc bệnh phình, hoặc phình tách thành ĐMC. Thống kê tại Viện Tim mạch Việt Nam cho thấy, nếu năm 2001 tại Viện chỉ có 25 bệnh nhân mắc bệnh lý này, năm 2007 có 95 bệnh nhân, thì trong vòng 4 tháng gần đây đã có tới 80 bệnh nhân phình tách ĐMC phải nhập viện, trong đó có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng”, GS.TS Nguyễn Lân Việt cho biết.
Theo GS Việt, ĐMC là động mạch lớn nhất, đưa máu từ tim đi nuôi hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Phần ĐMC ở ngực gọi là ĐMC ngực, phần qua bụng gọi là ĐMC bụng. Đường kính của ĐMC ngực khoảng 3 cm, ĐMC bụng có đường kính khoảng 2 cm. Thành ĐMC có thể bị yếu đi hoặc tổn thương chủ yếu do bệnh tăng huyết áp, do quá trình lão hóa của tuổi già, do bất thường về gen, do nhiễm khuẩn (thường do giang mai) hoặc do chấn thương...
Người bệnh bị phình tách thành ĐMC thường có biểu hiện là đột ngột đau thắt ngực, đau dữ dội nhưng khi tiến hành làm điện tâm đồ, xét nghiệm men tim thì không thấy thay đổi như trường hợp nhồi máu cơ tim. Lúc này, các bác sỹ thường phải nghĩ tới bệnh lý phình tách ĐMC. Sau khi có kết quả chụp X quang tim phổi, siêu âm tim, siêu âm qua thực quản, hoặc chụp cắt lớp vi tính của đoạn ĐMC chủ đó, tùy theo tính chất tổn thương của bệnh, mà quyết định phẫu thuật hay đặt Stent Graft.
Với các bệnh nhân phình tách ĐMC type B thường rất khó phẫu thuật, mà trong phần lớn các trường hợp thì chỉ điều trị nội khoa hoặc xem xét khả năng đặt Stent Graft vào vị trí tương ứng với chỗ phình tách thành ĐMC.
Phình tách thành ĐMC là tai biến rất nguy hiểm mà tăng huyết áp không được kiểm soát tốt thường là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Vì vậy, để phòng bệnh, cần theo dõi huyết áp, nhất là ở những người bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục đều đặn, bỏ thuốc lá, tránh căng thẳng, bức xúc nhiều...
0 comments:
Ý kiến từ bạn:
Bạn có thể nhận xét bằng cách Chọn là Tên/URL, URL khỏi điền.